Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) Đời sống văn hóa người Xtiêng tỉnh Bình Phước
Cơ quan chủ trì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Cơ quan thực hiện Trường Đại học Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh
Loại đề tài Đề tài cấp Bộ
Lĩnh vực nghiên cứu Văn hóa
Chủ nhiệm(*) Trần Văn Ánh
Ngày bắt đầu 03/2008
Ngày kết thúc 03/2010

Tổng quan

Ngoài nước:

Các nhà truyền giáo và những nhà thám hiểm thực dân ngay từ cuối thế kỷ XIX đã có mặt ở vùng rừng núi Xtiêng, nơi ngọn nguồn Sông Bé và sông Đồng Nai. Tác giả người phương Tây đầu tiên nhắc đến vùng Xtiêng là Taber, một người giúp việc thông ngôn cho triều đình Huế dưới thời Minh Mạng. Trong bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ ” ấn hành năm 1838, Taber có ghi một địa danh là “Tinh Xương thành” và ghi chú trong ngoặc là “nước Xtiêng”[1]. Năm 1887, tại Sài Gòn, H. Azémar xuất bản tác phẩm “Dictionnaire Xtiêng” gồm khoảng 2500 từ Xtiêng được dịch ra tiếng Pháp. Trong phần đầu tác phẩm này, H. Azémar trình bày phần “Lé Xtiêng de Brơlâm”[2]. Đây không chỉ là công trình đầu tiên viết về dân tộc Xtiêng, mà còn là một trong những công trình sớm nhất của người Pháp viết về các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Tập từ điển tiếng Xtiêng của H. Azémar không chỉ giúp cho các nhà thám hiểm vùng Xtiêng, mà còn là những tư liệu quý để nghiên cứu ngôn ngữ và xã hội Xtiêng ở Brơlâm, tác giả đã ghi lại được khá nhiều về tư liệu về phong tục, cảnh quan... của người Xtiêng và vùng Xtiêng vào khoảng cuối thế kỷ trước.

Công trình “Coutumier Stieng” (Luật tục Xtiêng)[3], được công bố vào năm 1951 của T. Gerber là một trong số những bài viết có nhiều giá trị về người Xtiêng. Tác giả T. Gerber vốn từng làm đại diện hành chính ở Bù Đốp (Dé-Légué administratif à Budop) là vùng có nhiều người Xtiêng sinh sống, vì vậy ông biết khá tường tận về luật tục và tập quán của người Xtiêng ở địa phương. Tác phẩm “Coutumier Stieng” cung cấp cho người đọc một số hiểu biết về luật tục và cả những tư duy xã hội của người Xtiêng. Ngoài ra, T. Gerber còn thu thập được một số truyền thuyết về người Xtiêng[4].

Ngoài những công trình của H. Azémar và T. Gerber viết về người Xtiêng, còn có một số tác giả người Pháp khác như P. De Barthélémy, P. Raulin, J. Dournes, Bernard Bourotte...đều có những bài viết liên quan đến vùng Xtiêng và người Xtiêng. Về cảnh quan địa lí vùng cư trú của người Xtiêng cần phải kể đến bài viết của A. Raudrit “Je fameux Song Be” (1936), có những miêu tả khá đặc sắc về dòng Sông Bé, cũng như vị trí của nó trong đời sống của người Xtiêng[5].

So với một số các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, thì số lượng các công trình nghiên cứu và khảo sát của các tác giả người Pháp về dân tộc Xtiêng không nhiều lắm. Những bài viết đó nghiêng về việc miêu tả các phong tục tập quán một số khía cạnh kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, và cảnh quan địa lí... về vùng Xtiêng và con người Xtiêng. Đó là tài liệu có giá trị để tìm hiểu nhiều mặt về người Xtiêng trong thời điểm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Về khách quan, không ít những công trình bài viết trên đây đã giúp cho người Pháp có thêm những hiểu biết về vùng đất, con người ở Đông Nam Bộ, nơi mà họ bắt đầu công cuộc bình định thực dân trong những năm đầu thế kỷ XX.

Người Xtiêng còn được nhắc đến trong các tài liệu nghiên cứu từ giữa thế kỷ XX, do một số học giả người Pháp khác. Tuy nhiên, các tài liệu này không trực tiếp nghiên cứu về người Xtiêng, mà chỉ lấy người Xtiêng là đối tượng so sánh với dân tộc Mạ sống cùng địa bàn. Tiêu biểu là cuốn sách Xứ người Mạ lãnh thổ của thần linh của tác giả J. Boulbet, dịch giả Đỗ Vân Anh, Phân Viện Văn hoá thông tin tại TP. Hồ Chí Minh, NXB Đồng Nai 1999.

Các tác giả người Mỹ, một mặt kế thừa những công trình nghiên cứu của người Pháp trước đó về người Xtiêng, mặt khác, những cuộc khảo sát các nhóm Xtiêng nằm về phía Tây bắc Sài Gòn thuộc vùng do quân đội Mỹ và Sài Gòn kiểm soát trong tập sách dày nhiều chương “Minority groups in the Republic of Vietnam”[6], được biên soạn theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Hoa kỳ, xuất bản năm 1966, có dành một chương riêng để giới thiệu về người Xtiêng ở Việt Nam. Việc nghiên cứu ngôn ngữ Xtiêng cũng được đẩy mạnh cùng với việc nghiên cứu ngôn ngữ của một số các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Công việc này do Viện chuyên khảo ngữ học mùa hè (Summer Institute of Linguistics), có chi nhánh ở Sài Gòn từ năm 1959 đảm nhiệm. Một số công trình về ngữ học tiếng Xtiêng đã được công bố và ấn hành, kể cả dự án latinh hóa tiếng Xtiêng[7]. Một số các tác giả người Mỹ Le Bar, Thomas David, Hiskey... cũng đã một đôi lần đề cập đến người Xtiêng trong các công trình nghiên cứu chung về các dân tộc ít người ở Tây Nguyên.

Những công trình của các tác giả người Mỹ nghiên cứu về người Xtiêng không có nhiều cái mới hơn so với các tác giả người Pháp trước đó, ngoại trừ trên lĩnh vực ngôn ngữ. Các tác giả người Mỹ chủ yếu là giới thiệu một cách khái quát về người Xtiêng ở Việt Nam. Mục đích và yêu cầu các công trình của các tác giả người Mỹ nặng về việc phục vụ cho các hoạt động chiến tranh của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Trong nước:

Trong thời gian trước ngày giải phóng miền Nam năm 1975 một số công trình nghiên cứu bằng Việt ngữ về người Xtiêng và các dân tộc ít người ở Tây Nguyên của các tác giả người Việt đã được xuất bản tại Sài Gòn. Số lượng những công trình này không nhiều, và chủ yếu giới thiệu những nét sơ lược, khái quát về phong tục tập quán, con người, cuộc sống... của các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, có cả người Xtiêng. Phần lớn những tư liệu của các tác giả người Việt là dựa vào các công trình của người Pháp về các dân tộc ở Tây Nguyên. Về các vấn đề đời sống văn hóa của người Xtiêng, ở miền Nam trước năm 1975 chưa có một công trình chuyên sâu bằng Việt ngữ.

Tình hình nghiên cứu người Xtiêng từ sau năm 1975 có sự phát triển mới và những kết quả đáng kể. Một số các công trình nghiên cứu về các vấn đề văn hóa, kinh tế, xã hội của người Xtiêng đã được công bố trên các tạp chí, các hội nghị khoa học của các Viện nghiên cứu thuộc ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện khoa học xã hội Việt Nam).

Các tác giả Hữu Ứng, Nguyễn Duy Thiệu, Ninh Lê Hiệp đã có những cuộc khảo sát điền dã tại các “poh” (làng) Xtiêng ở xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng tỉnh Sông Bé để tìm hiểu các ngôi nhà dài, các quan hệ thân thuộc, một số vấn đề xã hội của người Xtiêng và đã công bố một số kết quả trên các tạp chí “Dân tộc học”, “xã hội học”,... Trần Tất Chủng trong bài viết “Góp thêm tài liệu nghiên cứu người Xtiêng”[8], đã giới thiệu một số kết quả điều tra điền dã của tác giả tại hai “poh” Xtiêng thuộc hai vùng Bù Lơ và Bù Đék. Trong tập sách “Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam”[9], và trong “sổ tay các dân tộc ít người ở Việt Nam”, do Viện Dân tộc học ở Hà Nội biên soạn đều có bài riêng giới thiệu khái quát về người Xtiêng. Các bài viết trong hai tập sách trên đây đã giúp người đọc biết được một số nét văn hóa, kinh tế, xã hội của người Xtiêng.

Năm 1984, Ban Dân tộc học thuộc Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) đã phối hợp với Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước) tổ chức một đợt khảo sát và nghiên cứu các dân tộc ít người trong tỉnh, đặc biệt là người Xtiêng, một dân tộc ít người cư trú tập trung ở các huyện phía bắc. Đây là đợt khảo sát tương đối rộng rãi, và chuyên sâu vào một số vấn đề về văn hóa, kinh tế, xã hội của người Xtiêng từ sau năm 1975. Kết quả của đợt nghiên cứu đã được công bố với một số công trình trong tập sách “Vấn đề dân tộc ở Sông Bé” của tập thể tác giả do Mạc Đường chủ biên và nhà xuất bản tổng hợp Sông Bé ấn hành vào năm 1985. Tập sách đã bổ sung và hệ thống một số tài liệu điều tra, phân tích khoa học về người Xtiêng ở Sông Bé, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều khía cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội của người Xtiêng.

Năm 1991, nhà xuất bản tổng hợp Sông Bé đã ấn hành “Địa chí tỉnh Sông Bé”, trong sách có bài viết “miền núi tỉnh Sông Bé: Lịch sử phát triển xã hội và đời sống các dân tộc” của giáo sư Mạc Đường, trong bài viết, tác giả đã dành nhiều trang đề cập đến các đặc điểm kinh tế - xã hội, về điểm xuất phát và con đường phát triển xã hội của người Xtiêng cũng như các dân tộc miền núi tỉnh Sông Bé.

Năm 1992, tác giả Phan An đã chọn đề tài “Hệ thống xã hội tộc người Xtiêng ở Việt Nam” làm luận án phó tiến sỹ khoa học lịch sử chuyên ngành Dân tộc học, đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu của tác giả về hệ thống xã hội tộc người Xtiêng. Năm 1995 tác giả Vũ Hồng Thịnh và Bùi Lẫm công bố công trình Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Xtiêng tỉnh Sông Bé, do Sở VHTT tỉnh Sông Bé  phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại Tp.HCM xuất bản. Vào năm 2004, tác giả Nguyễn Thành Đức đã nghiên cứu và ấn hành công trình chuyên sâu về nghiên cứu múa dân gian của người Xtiêng, Tác phẩm Múa dân gian tộc người Mạ, Chơ ro, Xtiêng vùng Đông Nam bộ, do NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội xuất bản. Gần đây, năm 2006, tác giả Nguyễn Xuân Châu đã công bố tác phẩm, Huyền bí Xtiêng, dày 176 trang do NXB Lao Động, Hà Nội xuất bản, nội dung nói về một chủ làng là Điểu Dinh áp dụng nhiều luật tục cổ hủ của làng để phán xử, ép buộc các cô gái trẻ. Mặc dù tác phẩm này là tiểu thuyết, có hư cấu, nhưng cũng cung cấp cho ta nhiều vấn đề liên quan đến luật tục và văn hóa truyền thống của người Xtiêng.

Gần đây nhất, ngày 27/6/2008, Hội đồng khoa học tỉnh Bình Phước đã nghiệm thu đề tài khoa học “Xây dựng hệ thống chữ viết tiếng Xtiêng và biên soạn từ điển đối chiếu Xtiêng-Việt, Việt-Xtiêng”. Sau gần 2 năm triển khai, đề tài do Tiến sĩ Lê Khắc Cường, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, làm chủ nhiệm, đã hệ thống chữ viết tiếng Xtiêng mới gồm có 38 chữ cái, trong đó 15 chữ cái ghi nguyên âm và 23 chữ cái ghi phụ âm.

Từ điển Việt-Xtiêng có 6.500 từ và ngữ cố định của tiếng Việt được đối dịch ra từ ngữ tương đương tiếng Xtiêng; từ điển Xtiêng-Việt có gần 5.000 từ và ngữ cố định của tiếng Xtiêng được đối dịch ra từ ngữ tương đương tiếng Việt. Bộ từ điển gồm những lớp từ cơ bản và những từ ngữ được sử dụng phổ biến, thông dụng của đồng bào dân tộc Xtiêng.

Nhìn chung, việc nghiên cứu người Xtiêng ở Việt Nam từ trước đến nay, số lượng các công trình nghiên cứu không nhiều lắm. Các tác giả có công trình nghiên cứu về người Xtiêng chiếm số đông là người nước ngoài, các tác giả Pháp và Mỹ. Nội dung các công trình viết về người Xtiêng chủ yếu là khảo sát và mô tả, ghi chép bước đầu các phong tục tập quán, văn hóa tinh thần, sinh hoạt vật chất... Chưa có một công trình nào chuyên sâu nghiên cứu về đời sống văn hóa của người Xtiêng. Những công trình của các tác giả người Pháp viết về người Xtiêng có một giá trị tư liệu quan trọng, nhưng cũng còn có những hạn chế nhất định trong cách nhìn, cách tiếp cận. Những công trình nghiên cứu về người Xtiêng của các tác giả Việt Nam từ sau năm 1975 có nhiều cố gắng đi sâu vào một số mặt kinh tế, xã hội văn hóa. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về người Xtiêng vẫn còn những khoảng trống trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, khảo sát nhiều hơn nữa của nhiều tác giả với nhiều công trình chuyên sâu.

Nhìn chung, tất cả các công trình nghiên cứu trên đã giới thiệu khái quát văn hoá cổ truyền của người Xtiêng bằng các phương pháp tiếp cận và các mục đích nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu vào nghiên cứu đời sống văn hóa của người Xtiêng trong bối cảnh hiện tại

Trong quá trình nghiên cứu, đề tài kế thừa các kết quả nghiên cứu của những người đi trước. Nhưng kết quả chính trong đề tài chủ yếu là khảo sát thực tế, nghiên cứu định lượng và định tính, trong đó có phân tích, so sánh, hệ thống, dự báo thông qua tư liệu nghiên cứu điền dã. Đây là công việc khó khăn, lâu dài song cũng là mục đích của đề tài đặt ra.

 


 

Tính cấp thiết

Mục tiêu

-  Đề tài nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống (vật thể và phi vật thể), thông qua đó nghiên cứu sự giao lưu, tiếp biến văn hóa và sự biến đổi của đời sống văn hóa của người Xtiêng hiện nay. 

- Thông qua khảo sát thực trạng đời sống văn hóa người Xtiêng qua quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá của các dân tộc khác để tìm hiểu bản sắc văn hoá của người Xtiêng ở tỉnh Bình Phước; tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống của họ.

- Từ những nghiên cứu trên, đề tài sẽ đưa ra dự báo về xu hướng biến đổi văn hóa của người Xtiêng. Đồng thời, đề tài sẽ đưa ra một số đánh giá, đề xuất về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đưa ra những dự báo, định hướng phát triển của cộng đồng dân tộc Xtiêng.

Nội dung

PP nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu: thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số phương pháp sau:

- Phương pháp nghiên cứu định tính: quan sát tham dự, ghi chép, phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm, thu âm, chụp ảnh, khảo tả và hệ thống hoá tư liệu điền dã...

- Phương pháp nghiên cứu định lượng: Điều tra bảng hỏi, thu thập các số liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài.

- Phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, phương pháp hệ thống, phương pháp lịch sử, phương pháp nghiên cứu liên ngành (sử học, văn hoá học, nhân học, xã hội học, khảo cổ học...).

Hiệu quả KTXH

- Là công trình nghiên cứu đầu tiên đi sâu nghiên cứu tìm hiểu về đời sống văn hóa của người Xtiêng.

- Tập hợp và hệ thống hoá tư liệu tương đối cụ thể về người Xtiêng ở tỉnh Bình Phước.

 Cung cấp thông tin cho các nhà khoa học, cho sinh viên, giảng viên ngành văn hóa, nhân học, dân tộc học về đời sống văn hóa người Xtiêng.

- Từ kết quả nghiên cứu trên, đề tài nêu ra những biến đổi về đời sống văn hóa của người Xtiêng. Đề tài đưa ra những kiến nghị về mặt bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của người Xtiêng sao cho có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống cộng đồng.

ĐV sử dụng

  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

File đính kèm

STT Tên đơn vị Người đại diện
STT Tên người tham gia
STT Nội dung phối hợp Kết quả dự kiến Thời gian bắt đầu - kết thúc
STT Tên sản phẩm Số lượng dự kiến Diễn giải