Hỏi đáp

Ngày 27-04-2024

 
Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn bao gồm những gì?
  Trả lời:

Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn theo Thông tư 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30/3/2012 bao gồm:

          1. Nội dung Hồ sơ:         

          a) Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN (Phụ lục số 2);

          b) Thuyết minh nhiệm vụ KHCN:

          - Đối với đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (Phụ lục số 3a);

          - Đối với đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Phụ lục số 3b);

­­          - Đối với dự án sản xuất thử nghiệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có hướng dẫn trực tiếp với đơn vị thực hiện;

          c) Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ KHCN  (Phụ lục số 4);

          d) Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN và những người tham gia thực hiện (Phụ lục số 5).

          2. Số lượng Hồ sơ bao gồm: 01 (một) bản gốc và 11 (mười một) bản sao. Được gửi dưới hai hình thức: bằng văn bản và dưới dạng file dữ liệu (USB hoặc CD ROOM). Bộ Hồ sơ phải được niêm phong và ghi rõ bên ngoài:

          a) Tên nhiệm vụ KHCN;

          b) Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN;

          c) Họ và tên của cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm và danh sách những người tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN;

          d) Liệt kê danh mục tài liệu, văn bản có trong Hồ sơ.

          3. Thời hạn nhận Hồ sơ tuyển chọn, xét chọn.

          a) Hồ sơ phải nộp đúng hạn như trong thông báo tuyển chọn, xét chọn; ngày nhận Hồ sơ được tính là ngày ghi ở dấu bưu điện Hà Nội (trường hợp gửi qua bưu điện); dấu công văn đến của Văn phòng Bộ hoặc văn thư của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trong trường hợp gửi trực tiếp);

          b) Tại thời điểm chưa hết thời hạn nộp Hồ sơ, tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn, xét chọn có quyền rút Hồ sơ đã nộp thay Hồ sơ mới, được phép bổ sung hoặc sửa đổi Hồ sơ đã gửi để tuyển chọn, xét chọn. Mọi bổ sung và sửa đổi phải nộp trong thời hạn quy định và là bộ phận cấu thành của Hồ sơ.

 
Chuyên đề khoa học là gì? Có mấy loại?
  Trả lời:

Theo Thông tư 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30/3/2012 - Chuyên đề khoa học được hiểu như sau:

Chuyên đề khoa học là một vấn đề khoa học cần giải quyết trong quá trình nghiên cứu nhằm xác định những luận điểm khoa học và chứng minh những luận điểm này bằng những luận cứ khoa học, bao gồm luận cứ lý thuyết (cơ sở lý luận) và luận cứ thực tế (là kết quả khảo sát, điều tra, thí nghiệm do chính tác giả thực hiện hoặc trích dẫn công trình của các tác giả khác). Chuyên đề khoa học được phân thành hai loại dưới đây:

          a) Loại 1: Chuyên đề nghiên cứu lý thuyết bao gồm các hoạt động thu thập và xử lý các thông tin, tư liệu đã có, các luận điểm khoa học đã được chứng minh là đúng, được khai thác từ các tài liệu, sách báo, công trình khoa học đã có trước đây, hoạt động nghiên cứu - thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, từ đó đưa ra những luận cứ cần thiết để chứng minh luận điểm khoa học.

          b) Loại 2: Chuyên đề nghiên cứu lý thuyết kết hợp triển khai thực nghiệm, ngoài các hoạt động như chuyên đề loại 1 nêu trên còn bao gồm các hoạt động điều tra, phỏng vấn, khảo cứu, khảo nghiệm, thực nghiệm trong thực tế nhằm đối chứng, so sánh, phân tích, đánh giá để chứng minh luận điểm khoa học.

 
Trình tự quản lý thực hiện nhiệm vụ KHCN bao gồm những bước gì?
  Trả lời:

Trình tự quản lý thực hiện nhiệm vụ KHCN theo Thông tư 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30/3/2012 bao gồm:

          1. Xác định nhiệm vụ KHCN.

          2. Tuyển chọn, xét chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện.

          3. Thẩm định nhiệm vụ KHCN trúng tuyển chọn, xét chọn (sau đây viết tắt là thẩm định).

          4. Phê duyệt nhiệm vụ KHCN để đưa vào thực hiện.

          5. Ký Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (sau đây viết tắt là Hợp đồng) thực hiện nhiệm vụ KHCN.

          6. Thực hiện Hợp đồng đã ký.

          7. Đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KHCN theo hai cấp (cấp cơ sở và cấp Bộ).

          8. Chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn.

 
Đề tài, Dự án, Chương trình là gì?
  Trả lời:

Theo Thông tư 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30/3/2012 - Đề tài, Dự án, Chương trình được hiểu như sau:

1. Đề tài có nội dung chủ yếu nghiên cứu về một chủ đề khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch, bao gồm các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đề tài khoa học xã hội và nhân văn. Đề tài có thể độc lập hoặc thuộc dự án, chương trình.

2. Dự án có nội dung chủ yếu tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ; áp dụng, thử nghiệm các giải pháp, phương pháp, mô hình quản lý về lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch. Dự án bao gồm một nhóm các nhiệm vụ KHCN phát triển, ứng dụng công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm. Dự án có thể độc lập hoặc thuộc chương trình.

3. Chương trình bao gồm một nhóm các đề tài, dự án, được tập hợp theo một mục đích xác định nhằm thực hiện mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ lâu dài mang tính tổng quát hoặc ứng dụng đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn thuộc lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

 
Thế nào là Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ?
  Trả lời:

Theo Thông tư 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30/3/2012 - Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ được hiểu như sau:

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây viết tắt là nhiệm vụ KHCN) là những vấn đề khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch cần giải quyết, được xác định, thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý khoa học và công nghệ và những quy định tại Thông tư này.

          Nhiệm vụ KHCN được tổ chức thực hiện dưới hình thức đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây viết tắt là đề tài), dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây viết tắt là dự án), chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây viết tắt là chương trình).

Trang 1/1 <1>