PGS.TS.NSND Lê Ngọc Canh: “Công sức của tôi chỉ đứng… thứ ba trong vinh dự này”

Hẹn gặp NSND Lê Ngọc Canh đúng vào ngày ông có lịch tiêm ở Bệnh viện Việt – Xô và chuẩn bị hành lý cho chuyến công tác dài ngày ở tận miền Nam. Nhìn lịch làm việc dày đặc, nghe câu chuyện hồn nhiên, nhẹ nhõm của ông, thật khó để người viết bài tin rằng người nghệ sĩ, nhà sưu tầm-nghiên cứu múa dân tộc đang ngồi trước mặt đã ở vào độ tuổi 80.

Người ta gọi tôi là “chuyên gia đánh bắt xa bờ”

Thưa, trên đường đến đây, tôi cứ hình dung ra cảnh một ông già ngồi thưởng trà và ngắm mưa cơ ạ?

NSND Lê Ngọc Canh: (Cười) Người ta cứ hình dung về những ông già chúng tôi như vậy đấy. Vợ con tôi cũng không muốn tôi làm việc nhiều. Tôi cứ phải “nói khó” để họ cho tôi viết lách. Tôi còn sức khỏe, còn nhiệt huyết với nghề lắm. Không được làm việc, không được nghiên cứu có khi tôi lại ốm mất.

Nhưng ít ra thì cũng không phải là những chuyến đi dài ngày vất vả như thế này! Sao bác không chọn những việc nhẹ nhàng hơn, như đứng lớp giảng bài ạ?

- Ô! Nhà báo nhầm nhé! Ai bảo đứng lớp giảng bài là công việc nhẹ nhàng? Tôi cũng đang bồi dưỡng cho một số em làm tiến sĩ đấy. Nhưng mà vẫn phải đi, phải viết chứ. Anh em đồng nghiệp hay đùa tôi là “chuyên gia đánh bắt xa bờ”, là vì tôi chịu khó đi vùng sâu vùng xa. Đi sưu tầm, nghiên cứu thì vất vả lắm.

Có khi vào tận những bản làng xa xôi hẻo lánh, phải xắn quần móng lợn, lội bộ mấy cây số mới vào tới bản. Bù lại, những nghệ nhân mình gặp được, những điệu múa mình tìm thấy lại làm mình hạnh phúc đến trào nước mắt. Có những khi vào được đến bản thì trời đã tối, bà con phải đốt đuốc đi gọi nhau đến múa cho mình xem.

NSND Lê Ngọc Canh với một nghệ nhân 70 tuổi người Chơ Ro ở Đồng Nai

Nhớ nhất là dịp cách đây chừng 10 năm, tôi đi sưu tầm múa của người Chơ Ro ở Đồng Nai, gặp một nghệ nhân 70 tuổi. Phụ nữ dân tộc thiểu số vất vả, nên 70 tuổi là đã già yếu lắm rồi. Bà ngồi một góc và nói không nhớ gì cả, không múa được. Nhưng rồi con cháu cổ vũ, chiêng trống đánh lên, nghệ nhân bất ngờ đứng dậy múa. Bà múa rất đẹp, rất có hồn.

Thì ra những điệu múa đã ăn rất sâu vào tâm hồn, trí nhớ của bà. Nó chỉ bị thời gian phủ chút bụi mờ chứ không thể mất đi. Tôi đứng nhìn cụ múa mà cảm động đến chảy nước mắt. Đi nhiều mới thấy hết được kho tàng múa của các dân tộc VN quý giá. Có nhiều cái chúng ta cứ tưởng là mới, hiện đại nhưng thực ra lại có trong các điệu múa cổ của đồng bào.

 “ÔNG XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC ĐỀ CỬ”

Đối với chúng tôi, NSND Lê Ngọc Canh là một người tận tụy với nghề suốt cả cuộc đời. Ông được đào tạo ở cả trong và ngoài nước. Ông luôn phát huy khả năng sáng tạo ở cả hai lĩnh vực là sáng tác và sưu tầm nghiên cứu. Ở lĩnh vực nào, ông cũng có những đóng góp tiêu biểu. Với hội Nghệ sĩ Múa VN, ông là đại diện xứng đáng cho đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh lần này. – NSND CHU THÚY QUỲNH, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa VN

“CÔNG SỨC CỦA ÔNG THẬT… KHỦNG KHIẾP”


Với tôi, NSND Lê Ngọc Canh là một tấm gương lao động nghệ thuật và nghiên cứu khoa học. Chỉ xét riêng công sức lao động của ông trong gần 60 năm gắn bó với nghệ thuật múa thì đã thấy… khủng khiếp. Dù đã ở vào độ tuổi 80, nhưng NSND Lê Ngọc Canh vẫn lao động miệt mài, đi khắp trong Nam ngoài Bắc để sưu tầm, nghiên cứu và giảng dạy. Nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật múa là một công việc nhọc nhằn, rất ít người dám theo đuổi nhưng NSND Lê Ngọc Canh đã dành hàng chục năm của đời mình để nghiên cứu. Ông là một trong những gương mặt đầu đàn của lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm múa VN. Đặc biệt hơn nữa là trong lĩnh vực sáng tác. Người nghệ sĩ thường đến một độ tuổi nào đó thì khả năng sáng tác bị cạn đi, chững lại, nhưng những sáng tác của NSND Lê Ngọc Canh trong những năm gần đây lại rất tươi mới, sáng tạo. –NSND LÊ NGỌC CƯỜNG, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa VN

Làm nghệ thuật, phải biết là dì ghẻ của chính mình

Sau khi đi tu nghiệp ở nước ngoài, thường thì các nghệ sĩ khác hay dành tâm huyết cho ba lê hoặc múa đương đại. Tại sao ông lại chọn múa dân tộc để gắn bó?

- Hồi bé, tôi sống ở vùng đồng bào thiểu số đến 9 năm, tình yêu đối với múa dân tộc đến từ ngày đó. Khi đi học nước ngoài, được tiếp xúc gần hơn với ba lê, múa đương đại, tôi càng thấy cái gì thuộc về dân tộc thì sẽ bền vững và có ý nghĩa hơn.

Trong sáng tác, dù có đưa thủ pháp, kỹ thuật mới vào thì tôi vẫn muốn chứa đựng tâm hồn dân tộc ở trong đó. Múa dân tộc hay như vậy, mà mình không khai thác thì quá phí! Nói vậy nhưng làm được cũng không dễ. Khi mới về nước, tôi làm nhiều điệu múa mà người ta thấy lạ, thấy khó chấp nhận. Nhưng dần dần, theo thời gian, người ta mới thừa nhận nó.

 

 

“Nghệ thuật Múa thế giới”  công trình của PGS-TS, NSND Lê Ngọc Canh được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhiều người nhận xét phần lớn các cộng sự làm nghiên cứu cùng ông đều là người già. Ông không quan tâm, không muốn hợp tác với người trẻ?

- Không phải vậy. Như gần đây nhất là công trình nghiên cứu, sưu tầm múa cổ Thăng Long- Hà Nội, chúng tôi có mời nhưng các bạn trẻ đều từ chối. Họ bận. Họ có nhiều mối bận tâm khác. Sưu tầm, nghiên cứu múa rất khó, phải đi thực tế nhiều, mà lại ít tiền nữa nên ít người muốn làm. Vậy là mấy ông bà già chúng tôi cứ bảo nhau làm thôi. Chúng tôi coi đó là trách nhiệm của mình. Nếu bây giờ chúng tôi không làm thì thế hệ sau cũng sẽ không làm hoặc không có cơ sở để làm nữa. Để thất truyền hết thì mình có lỗi. Cái chúng tôi trăn trở nhất bây giờ là sưu tầm, và phát huy được hết các điệu múa cổ, đưa nó trở lại với đời sống hiện đại.

Ông nhận xét gì về đội ngũ nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật múa VN hiện nay?

- Tôi mừng. Vì họ có những suy nghĩ táo bạo tới mức dũng cảm. Trong sáng tạo, dũng cảm là một tố chất, một ý chí rất tốt. Hơn nữa, họ nhanh nhạy, thông minh, bắt kịp với xu hướng, hơi thở của thời đại. Kỹ thuật và kết cấu tác phẩm của họ rất đa dạng, đa chiều… Họ đã tạo ra một thế hệ giàu sức sống cho nghệ thuật múa Việt Nam. Nhược điểm của họ là chưa thấu hiểu được cái hồn, cái cốt cách dân tộc. Có lẽ vì chưa có điều kiện đi nghiên cứu vùng sâu vùng xa,

chưa có đủ chất liệu về nghệ thuật múa cổ cũng như tâm hồn con người trên khắp đất nước này. Bởi vậy, các em dễ bị vay mượn hoặc lặp lại mình. Tìm cái mới khó lắm chứ. Làm nghệ thuật rất cần phải có cái mới, có thể nó chưa hay nhưng vẫn phải có gì đó làm cho người ta suy nghĩ, bàn luận. Nhiều tác phẩm mình làm ra nhưng không mới, mình cũng đành phải bỏ, dù là rất đau. Phải nghiêm khắc, phải làm dì ghẻ với chính mình thì mới tốt lên được, mới không thỏa mãn với chính mình.

Mỗi giải thưởng nhận được, công tôi chỉ đứng thứ 3

Luôn là đề cử sáng giá cho các giải thưởng của nghệ thuật múa, giải thưởng có phải là động lực đối với công việc của ông?

- Không. Khi làm việc thì tôi cứ làm thôi, không bao giờ nghĩ hay hy vọng cái này hay cái kia sẽ được giải thưởng. Mình làm vì sự thôi thúc bên trong của bản thân, vì giá trị của tác phẩm đó cuốn hút mình. Nếu được giải thưởng thì mình thấy vui hơn. Tôi đã may mắn được tặng giải thưởng Nhà nước rồi. Tôi coi đó một vinh dự, một niềm hạnh phúc.

Ông nghĩ sao khi ông là đại diện duy nhất của ngành múa được đề cử cho xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này?

- Tôi nghĩ đề cử này là vinh dự chung của ngành múa mà tôi là người đại diện thôi. Nghệ thuật múa có rất nhiều người giỏi, tài ba nhưng vì lí do nào đó mà chưa được đề cử. Rồi sau đó là vinh dự của tôi và gia đình tôi. Tôi có được thành tích trước hết là nhờ ngành múa, hội múa tạo điều kiện. Gia đình cũng có vai trò lớn lắm. Tôi nói với vợ là, mọi giải thưởng của anh, công em là 60%, công anh 40% thôi. Nói vui nhưng vẫn là nói thật lòng đấy. Tôi đi học nước ngoài khi con trai đầu lòng mới chỉ được 3 ngày tuổi. Vợ một mình nuôi con giữa thời chiến tranh phá hoại. Nói thật, lúc đó nếu vợ tôi không can đảm, nói một câu giữ tôi lại thì có lẽ tôi đã ở lại rồi. Vì thế nên, tôi thấy mình chỉ đáng được xếp thứ 3 trong vinh dự được đề cử lần này.

Xin được cảm ơn và xin chúc ông luôn mạnh khỏe!