GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh - Một đời tâm đức với văn hoá dân gian..

Chúng ta đã từng nói nhiều đến văn hoá nhà nước hơn là văn hoá dân gian. Nhà nước làm sao đủ sức đưa văn hoá tới tận hang cùng ngõ hẻm mọi lúc? Phải động viên, phát huy mạnh mẽ văn hoá dân gian, vì đó chính là dòng chảy sinh động, tuôn trào của đời sống.

Và làm sao để văn hoá dân gian, dân tộc không bị mai một hay bị phá hoại…Tâm huyết ấy ngày càng hun đúc sâu nặng và là nguồn sáng trong tâm hồn, tác phẩm và hoạt động xã hội của nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hoá dân gian, giáo sư tiến sĩ khoa học (GSTSKH) Tô Ngọc Thanh, Tổng Thư ký Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam… 

Mưa rơi cho cây tốt tươi
Búp chen lá trên cành
Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió
Bướm tung cánh bay vờn
Bên nương ríu rít tiếng cười
Bao trai gái đang nô đùa
Đầu sàn có đôi chim cu đua gáy
Với đôi én cùng múa vui
Mưa rơi chim ướt cánh bay
Nó mắc bẫy trong rừng
Dập dìu ai đi đơm cá bên suối
Nước xô nước ven bờ
Trên nương hương thơm nếp vàng
Măng cười hé vươn lên cùng
Ngọt ngào hương thơm bay bay theo gió
Những chim nướng cùng nếp thơm
Nhìn mà no…
 

Đó chính là bài Mưa rơi, dân ca dân tộc Xá, do nhạc sĩ Tô Ngọc Thanh sưu tầm. Cuộc đời ông đã tìm kiếm khắp những dải rừng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên… biết bao những điệu dân ca, những điệu hồn dân tộc như thế. Ông đã hát, đã sống cùng dân gian, những luỹ tre, đồng lúa, cánh cò bay, những câu sli lượn, giọng ầu ơ, những đàn kêu tích tịch tình tang, những tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng trống, những nhà sàn, rừng sâu, hang đá… Chắt những câu hát tiếng nhạc ngỡ như từ đất, từ trái tim chan chứa của những con người các dân tộc khác nhau trên Tổ quốc Việt Nam liền một dải mênh mông. Những tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc và văn hoá dân gian với tinh thần và phương pháp âm nhạc dân tộc học của ông đã có những đóng góp không nhỏ cho sự trường tồn những giá trị văn hoá phi vật thể của đất nước này… 

Ông Tô Ngọc Thanh (áo trắng) trong một lần đi thực tế

 

Tác phẩm chắt chiu từ nguồn cội…
1. Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền – NXB Văn hoá, 1982. Trong đó, tác giả Tô Ngọc Thanh viết phần Những nẻo đường âm nhạc cổ truyền, tác giả Hồng Thao viết phần Nói chuyện quan họ. Cách đây hơn 20 năm, nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh đã đúc kết một cách hào sảng trong tác phẩm của mình: Cách đây 4000 năm, trên dải đất Việt Nam, cùng với nền văn minh đồ đồng Đông Sơn, đã xuất hiện và hình thành một nền âm nhạc phát triển. Nền âm nhạc đó có một hệ nhạc cụ phong phú thuộc các họ nhạc cụ hơi (khèn- sáo), họ tự thân vang (trống đồng, chiêng cồng, và có thể cả đàn đá nữa), họ nhạc cụ màng rung (trống bịt da). Nền âm nhạc đó đã có bài bản bè đơn, bè kép, nhiều bè và chắc chắn có một hệ các bài ca với trình độ phát triển tương ứng… 

2. Fônclo Bâhnar- Sở Văn hoá thông tin Gia lai- Kon Tum, 1988. Công trình này do nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh làm chủ biên và là người viết chính, cùng với các tác giả Đặng Nghiêm Vạn, Phạm Hùng Thoan, Vũ Thị Hoa. Cuốn sách đã được xem như một mẫu mực về phương pháp tiếp cận và nghiên cứu về văn hoá dân gian các dân tộc. 

3. Giới thiệu một số nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam – NXB Văn Nghệ và Trung tâm văn hoá dân tộc TPHCM, 1995. Cuốn sách này của ông đã đặt lại cách phân loại nhạc cụ và cải chính một cách thực tiễn thói quen nhìn nhạc cụ dân tộc theo kiểu âm nhạc cổ điển châu Âu. 

4.Musical intruments of VietNam’s Minorities ( A partial introduction)- Nhạc cụ cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam (Sơ lược giới thiệu)- NXB Thế giới, 1997. Cuốn sách này được ông viết bằng tiếng Anh, trên cơ sở của cuốn trên, được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải Nhất trong giải thưởng 1997. 

5. Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc – NXB Âm nhạc, 1998, do Quỹ Thuỵ Điển – Việt Nam phát triển văn hoá tài trợ. Theo GSTS Tô Vũ, tác giả Tô Ngọc Thanh đã phát hiện được hai điểm then chốt: 1- Âm nhạc dân gian Thái gắn bó chặt chẽ với các mặt sinh hoạt của cộng đồng người Thái, với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ nghi, khó có thể tách rời để xem xét như một thực thể độc lập, một “nghệ thuật” theo cách hiểu thông thường. 2- Ngay cả khi tạm thời tách thành phần âm nhạc trong cái tổng thể nguyên hợp làm nên một tiết mục nào đó, thì trong âm nhạc này, phần nhạc lại cũng gắn bó chặt chẽ với thơ (dân gian) mà thanh điệu cũng như tiết điệu kết cấu bài thơ là nòng cốt của giai điệu cũng như khúc thức âm nhạc. Công trình này thực ra đã được viết từ 30 năm trước, giữa núi rừng Tây Bắc, nhưng không được cơ chế đương thời nghiệm thu. Sự thăng trầm ấy của tác phẩm cũng chính là một nét đặc sắc trong cuộc đời tác giả. 

6. Tư liệu âm nhạc cung đình Việt Nam – NXB Âm nhạc và Viện Âm nhạc, 1999, với sự tài trợ của Quỹ Sumitomo – Nhật Bản. Công trình đã cho thấy những tương đồng và dị biệt của âm nhạc cung đình Việt Nam so với các nước khác, xem xét các bài bản của Nhã nhạc gồm cả Tiểu nhạc, Đại nhạc và nhạc múa, và đặc biệt có tư liệu quý về Mười bản Ngự…
Năm 2000, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao giải Nhất cho công trình Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc và giải Nhì cho công trình Tư liệu âm nhạc cung đình Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có trên 200 bài báo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài về âm nhạc và văn hoá dân gian Việt Nam. Năm 2001, cụm công trình nói trên của GSTSKH Tô Ngọc Thanh đã được trao Giải thưởng Nhà nước. Hiện nay, ông đang viết cuốn Ghi chép về âm nhạc dân gian Việt Nam và cuốn Nhật ký về văn hoá dân gian Việt Nam. Lại tiếp tục có những luận điểm và suy tưởng độc đáo của ông về lĩnh vực âm nhạc và văn hoá dân gian Việt Nam đã trở thành máu thịt, nhưng cần thời gian để hoàn chỉnh và thời điểm thích hợp để công bố. Phải chăng, tuổi bảy mươi của một tài năng và nhiệt huyết tràn đầy đã giúp ông càng thêm thấm nghiệm chữ vị và chữ thời của Dịch lý âm dương?… 

Đường ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân…
Thân sinh của GSTSKH Tô Ngọc Thanh là họa sĩ Tô Ngọc Vân, một trong những họa sĩ bậc thầy của nền hội hoạ đương đại. Thuở nhỏ, để giữ yên lặng cho bố vẽ ở căn nhà số 42 phố Richaud tức Quán Sứ, Hà Nội bây giờ, cậu bé Thanh cứ đi lần về phía nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát ở gần đó, nghe lỏm cụ Khoát và bạn bè đàn hát. Nghe mãi thành quen, thành thuộc và thành mê. Cậu đã mê một thứ mà không dám nói với bố, bởi hội họa thì tĩnh dường này mà âm nhạc thì động dường kia. Gia đình cậu thì đã thấm sâu sự kính trọng đối với văn hoá, kính trọng đối với người cha thần tượng của cả nhà. Ông Vân lại muốn con nối nghiệp hội họa. Nhưng có lẽ, trong khi vẫn được di truyền và kế thừa dòng máu nghệ thuật, cậu con trai trưởng hiếu động của ông đã được số phận lựa chọn theo một hướng khác. Tiếng sáo của ông bán sáo dạo Bờ Hồ nỉ non sao đó mà đã quyến rũ được cậu bé này. Nhịn ăn sáng phải mấy hôm thì mới mua được cây sáo 6 lỗ giá 15 xu. Hồi đó, 1 xu là ăn được xôi, 5 xu là ăn được bát phở ngon. Và ra ngoài vườn hoa tập thổi sáo một mình, để không ai nghe ai biết.. 

11 tuổi, cậu bé đã theo gia đình đi kháng chiến. Những năm 1949-1951, Chính phủ Cụ Hồ giao cho ông Tô Ngọc Vân làm Trưởng đoàn Văn hoá kháng chiến. Đoàn có Phan Khôi, Thế Lữ, Nguyễn Khang, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Xuân Khoát, Võ Đức Diên, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Thanh Tịnh… và nhiều người ở các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Chàng trai trẻ Tô Ngọc Thanh tham gia đóng kịch, ca hát trong nhiều tiết mục của đoàn, gây được nhiều ấn tượng. Nhưng vẫn luôn tâm niệm lời dạy của cha: Đối với nghệ thuật, nếu không có năng khiếu thực sự thì đừng đứng vào đấy, làm chật chỗ người khác… 

Năm 1951, Đoàn văn hoá kháng chiến giải thể để tách ra thành các chuyên ngành độc lập. Trường âm nhạc Việt Bắc được thành lập ở Tuyên Quang do ông Nguyễn Hữu Hiếu làm hiệu trưởng và nhạc sĩ Văn Cao làm chính trị viên. Kiến thức âm nhạc đầu tiên Tô Ngọc Thanh được học lại là từ cuốn Nhạc lý cơ bản, tình cờ xin được từ một hiệu cắt tóc. Cứ gặp được những bài thơ hay là mày mò tự phổ nhạc bằng cách hát lên. Và thế là thi đỗ vào trường âm nhạc Việt Bắc.
17.6.1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh trên đường từ Điện Biên Phủ trở về. Cụ Vân được một người Tày chôn cất vội vàng trong khói lửa đạn bom. Nhận được hung tin, ông Thanh tìm đến, một mình khâm liệm và chôn cất bố lại trên một gò cao, có trồng cây ổi và xếp một chữ V bằng đá để làm dấu… 

Sau một thời gian học sư phạm ở Khu học xá Trung Quốc, ông Tô Ngọc Thanh được phân công thành lập và phụ trách lần lượt một số trường học ở Hà Nội. Rồi trở lại với âm nhạc, năm 1956 vào học khoa sáng tác của trường âm nhạc Việt Nam khoá đầu tiên. 

1959, ông được phân công về Ban nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá và đi sưu tầm nghiên cứu âm nhạc ở Tây Bắc. 

1962, theo một chủ trương hạ phóng cán bộ thời đó, ông được cấp trên điều động trở thành cán bộ của Sở văn hoá Khu tự trị Tây Bắc, nghĩa là làm cán bộ phong trào chứ không phải là cán bộ nghiên cứu. Và bắt đầu những năm tháng tự nghiên cứu bằng cách rong ruổi và sống hoà nhập cùng với những người dân tộc thiểu số vùng cao. Không còn máy móc thì học thuộc lòng, rồi hát, diễn, trong sự uốn nắn của những người bản địa, đến mức thành thục mới được công nhận là anh em trong một nhà, một bản. Năm 1965, ông được cử làm trưởng phòng nghiên cứu của Sở, nghiên cứu chung về văn hoá, chứ không chỉ riêng âm nhạc. 

1966, chàng trai lang thang miệt mài với văn hoá dân gian được nữ thần hôn nhân gọi tên. Nàng là Lê Trung Chinh, người Hà Nội, diễn viên hát của Đoàn văn công Tây Bắc. Sau một cơn ốm, Trung Chinh không hát nữa mà chuyên qua làm công việc đánh máy, thủ quỹ. Người em gái đồng hương được anh Thanh dạy đánh máy thêm cho, anh Thanh hộ tống khi đi lĩnh tiền cho anh em ban đêm… Ngọn lửa của tình yêu được nhen nhúm âm thầm, trong trẻo, mà không bên nào dám ngỏ, phải đợi cơ quan chủ động tác thành. Thế rồi, một ngôi nhà sàn nho nhỏ của cuộc sống vợ chồng xa quê được dựng lên trước một cửa hang chân núi đá, gần chỗ làm việc… Giờ đây, mấy mươi năm đã đi qua trong cuộc hôn nhân hạnh phúc và đầy cộng hưởng đối với sự nghiệp của nhà văn hoá dân gian Tô Ngọc Thanh. Tổ ấm của họ khiến tôi liên tưởng đến bài hát Tổ của mình: Hai con chim lội qua những cánh đồng làng/ Những cánh đồng hoang/ Những cánh rừng cháy/ Trở về/ Lấm lem/ Những cọng rơm ngậm trong đôi môi đắng mặn/ Ngời lên lời hát chứa chan… 

Đầu 1972, ông Hà Huy Giáp, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hoá, trong một chuyến lên Tây Bắc làm việc với Bí thư Khu ủy đã yêu cầu rút cán bộ Tô Ngọc Thanh về Viện nghệ thuật để đi đào tạo thêm ở nước ngoài, sau 10 năm liên tục công tác ở Khu tự trị. Công trình Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc được ông hoàn thành vào thời điểm này, với cách nhìn của một ngành khoa học lớn trên thế giới là ngành âm nhạc dân tộc học. Phương pháp này lúc ấy còn xa lạ đối với nhiều người, xa lạ với lối mòn đang thịnh hành là lấy âm nhạc Liên Xô và Châu Âu làm khuôn vàng thước ngọc để đánh giá mọi hiện tượng âm nhạc. Có người còn mát mẻ rằng ông Thanh nên sang Viện dân tộc học để làm. Công trình không được nghiệm thu!… 

16-2-1974, Tô Ngọc Thanh lên tàu đi Bungari để làm thực tập sinh, sau khi đã tìm kiếm và liên hệ được với GSTS Stoijan Djudjev của Nhạc viện quốc gia Bungari. Ông xác định đúng 2 mục tiêu cần học là hệ thống lý thuyết cơ bản và phương pháp làm một công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc học. Ông thầy vui sướng vì gặp được một người học trò đặc biệt đến từ Việt Nam: Này, một nghiên cứu viên chính thống nào của ngành này ở Bungari cũng phải thèm muốn những điều hiểu biết của mày về thực tiễn. Nhưng quan trọng nhất là mày biết mày cần gì. Mà cái đó thì ta có, con ạ… Trước đó, vì mới hoàn thành chương trình trung cấp âm nhạc, theo sự hướng dẫn của thầy, ông đã phải hoàn thành một chương trình học cấp tốc để thi như một sinh viên tốt nghiệp đại học nhạc viện quốc gia Bungari. Kết qủa thi theo hệ điểm 5, nhưng trong 9 môn, ông đã có 4 môn đạt điểm 5 và 5 môn đạt điểm 6 (rất xuất sắc). Nhạc viện quốc gia Bungari chuyển kết quả thi này về Đại học âm nhạc Việt Nam và Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lúc đó là hiệu trưởng, sau khi được chuẩn y trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã đặc cách cấp bằng tốt nghiệp Đại học âm nhạc Việt Nam cho thực tập sinh Bungari Tô Ngọc Thanh. Nhưng hết năm thứ 3 thì phải về nước theo đúng kế hoạch ban đầu của nhà nước, ông thầy hỏi:- Mày có thể sống tự túc được không? Tại sao không, và thế là ông Thanh vào làm nghề rửa bát ở khách sạn Grant và Vitosha để kiếm tiền sống cho những ngày làm luận án tiếp theo. Tháng 3-1978, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ bằng tiếng Bungari Những vấn đề về phương pháp nghiên cứu âm nhạc dân gian (dựa trên tư liệu Việt Nam). 30-5-1978 về nước, ông tiếp tục công tác ở Viện âm nhạc và là giảng viên đầu tiên về lý luận âm nhạc dân tộc cổ truyền ở Nhạc viện Hà Nội. 

Từ 1980 đến 1983, trưởng phòng sưu tầm văn hoá dân tộc thuộc Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam Tô Ngọc Thanh cùng anh em hành trình ở Tây Nguyên, và họ là những người đầu tiên làm phim về văn hoá dân gian. Công trình Fônclo Bâhnar ra đời trong giai đoạn này. 

Từ 1984 đến 1986, ông được cử sang Bungari thực tập sau phó tiến sĩ. Ông lại tiếp tục nghiên cứu, viết bổ sung nâng cao luận án phó tiến sĩ để thành luận án tiến sĩ. 1987, cần phải ở lại thêm để hoàn thành luận án, ông đi học một khoá lái xe, rồi trở thành lái xe taxi ban đêm, sau đó là lái xe tải chở hàng để kiếm tiền tự túc sống. Tháng 3-1988, Tô Ngọc Thanh bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ. 5-1988 về nước, cũng như lần trước với tấm bằng phó tiến sĩ, ông để tấm bằng tiến sĩ lên bàn thờ bố như để thầm báo cáo với bố rằng đứa con trai trưởng của Cụ đã phấn đấu để tìm được một chỗ đứng không làm chật đất người khác… 

Cuối 1988, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh trở thành phó Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam (ông Lê Anh Trà làm Viện trưởng). Từ 1991 đến 1995, ông Trà ốm nặng, ông Thanh trực tiếp phụ trách Viện. Đầu 1996, ông làm Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược văn hoá nghệ thuật. 

Từ 1989 đến nay, GSTSKH Tô Ngọc Thanh là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam ba khoá liên tiếp. Từ 1991 đến 1997, ông là ủy viên ủy ban quốc gia thập kỷ quốc tế về bảo vệ văn hoá dân tộc do Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đứng đầu. Hiện nay, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã có 76 chi hội và gần 1000 hội viên trên hầu khắp tỉnh thành cả nước. Hội đã có kế hoạch tổng lực sưu tầm văn hoá dân gian từ năm 2000 đến 2010, để tránh những mai một đáng tiếc. Nhiều công trình có giá trị của các hội viên khắp nơi đã được tài trợ, tặng giải thưởng và nâng đỡ kịp thời, góp phần làm hiện diện nguồn lực văn hoá dân gian Việt Nam phong phú trong sự sánh vai quốc tế. GSTSKH Tô Ngọc Thanh đã luôn góp phần quan trọng trong việc nâng niu, tôn vinh các nghệ nhân dân gian – những báu vật nhân văn sống, mà ông luôn tri ân và gọi họ là những người thầy của mình. 

Hiện nay, GSTSKH Tô Ngọc Thanh còn là ủy viên thường vụ Hội đồng âm nhạc quốc tế. Đã đi hơn 40 nước khắp các châu lục, trong mọi điều kiện có thể, ông đều tìm cách kết nối văn hoá dân gian, dân tộc Việt Nam với thế giới… 

Luôn xác định rõ đường ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân mình, nên mỗi việc ông làm, đều kiên định với ý chí bảo tồn, phát huy văn hoá dân gian, dân tộc Việt Nam một cách đáng khâm phục. Tâm, Đức và Nhẫn trong cuộc hành trình của đời ông, đã chảy như một dòng sông, thanh khiết từ cội nguồn, qua bao thác ghềnh, để về biển cả, vừa thăm thẳm vừa quyết liệt những đợt sóng trắng bạc đầu, khôn nguôi…

(VietNamNet)