Kinh phí nhiều đến đâu cũng khó đáp ứng hết nhu cầu ngành văn hóa

Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) bàn nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng văn hóa là lĩnh vực rất rộng nên nhu cầu vốn cũng rất lớn.

Thị trường văn hóa Việt Nam nhỏ, thiếu chuyên nghiệp

Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hôm 26/11 bàn nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhiều chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm khai thác "sức mạnh mềm".

Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Đặng Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội - khẳng định sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt vì vừa đem lại thu nhập, vừa bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm thẩm mỹ.

Kinh phí nhiều đến đâu cũng khó đáp ứng hết nhu cầu ngành văn hóa ảnh 1

PGS.TS. Đặng Hoài Thu - Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội.

"Muốn hội nhập quốc tế hiệu quả, mỗi quốc gia phải nâng cao nội lực của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nước, tạo tiền đề cần thiết cho quá trình mở cửa giao lưu quốc tế", PGS.TS. Đặng Hoài Thu nói.

Thời gian qua, những sự kiện âm nhạc lớn khẳng định được tên tuổi với công chúng có thể kể đến Monsoon Music Festival (Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa), HAY Glamping Music Festival (HAYFEST), Lễ hội âm nhạc quốc tế HOZO (Hò Dô) ...

Hà Nội xem Monsoon là một trong những hoạt động chiến lược để triển khai đề án phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025. TPHCM cũng đầu tư nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành một "thành phố âm nhạc" đúng nghĩa.

Các sự kiện nghệ thuật được kỳ vọng tạo ra một khối lượng lớn việc làm cho người dân, thúc đẩy văn hóa cộng đồng và phát triển kinh tế, du lịch.

Chương trình âm nhạc, điện ảnh thời gian qua bùng nổ về số lượng nhưng các chuyên gia nhận định thị trường văn hóa và sản phẩm văn hóa ở Việt Nam vẫn chậm phát triển, quy mô nhỏ, mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp.

Giảng viên Lê Hồng Thanh (Khoa Văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội) đề cập con số 66.500 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Chuyên gia cho rằng tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo chiến lược phát triển văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa là lĩnh vực rất rộng nên nhu cầu vốn cũng rất lớn. Dù kinh phí nhiều đến đâu cũng khó có thể đáp ứng hết nhu cầu của ngành văn hóa.

PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên (Viện Nghiên cứu sáng tạo, Đại học Ngoại thương) đề xuất có thêm giải pháp hỗ trợ sản phẩm nghệ thuật đương đại, hỗ trợ nghệ sĩ trẻ và những người làm nghệ thuật tiên phong.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Trung Quốc

Ở Trung Quốc, tính đến cuối năm 2023, số lượng doanh nghiệp văn hóa quy mô lớn trên toàn quốc đã tăng từ 69.000 doanh nghiệp vào năm 2022 lên khoảng 73.000 doanh nghiệp, với tổng doanh thu cả năm đạt 12,95 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Năm 2023, công nghiệp văn hóa và các ngành liên quan trên toàn quốc đạt 51.234 tỷ nhân dân tệ, chiếm 4,8% GDP Trung Quốc. GS Ngụy Bằng Cử (Viện Nghiên cứu Kinh tế văn hóa, Trung Quốc) khẳng định Trung Quốc quảng bá văn hóa thông qua nhiều con đường. Việc một người sáng tạo nội dung mạng xã hội như Lý Tử Thất trở nên nổi tiếng cũng là cách quảng bá hữu ích.

Kinh phí nhiều đến đâu cũng khó đáp ứng hết nhu cầu ngành văn hóa ảnh 4Kinh phí nhiều đến đâu cũng khó đáp ứng hết nhu cầu ngành văn hóa ảnh 5
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm quảng bá văn hóa.

Phân tích bài học từ làn sóng Hallyu của Hàn Quốc, nhiều chuyên gia khẳng định thành công đến từ quá trình lâu dài và có chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc thông qua các chính sách phát huy vai trò của các công ty giải trí.

Làn sóng Hàn Quốc không phải là một hiện tượng nhất thời, mà đó là một hành trình dài của sự kết hợp giữa Chính phủ và các doanh nghiệp, công ty tư nhân hàng đầu.

Đình Lâm

Nguồn: https://tienphong.vn/kinh-phi-nhieu-den-dau-cung-kho-dap-ung-het-nhu-cau-nganh-van-hoa-post1695141.tpo