Hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”: Nhận thức và hướng đi cho di sản

Hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức, diễn ra từ ngày 9/7- 11/7/2018 tại Hạ Long.

Hội thảo quốc tế “Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng UNESCO Hà Nội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức, diễn ra từ ngày 9/7- 11/7/2018 tại Hạ Long.

image001Ông Michael Croft- Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu gồm lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương,  Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và Ban Quản lý các di sản thế giới tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn; các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp…

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu tham dự 03 phiên họp chính thức với các chủ đề: “Hợp tác công tư tại di sản thế giới”, “Di sản và lợi ích của cộng đồng địa phương” và “Khung chính sách và cơ chế tăng cường bảo tồn di sản và thúc đẩy phát triển bền vững”. Qua đó, Hội thảo sẽ tập trung nhìn nhận, đánh giá hiện trạng các khu di sản thế giới tại Việt Nam, đưa ra các khuyến nghị đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này, đồng thời xác định vai trò, đóng góp của di sản thế giới đối với sự phát triển bền vững tại Việt Nam, cũng như việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc và Khung các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, thể hiện cam kết, đóng góp của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bài toán hợp tác công tư hiệu quả

Trong bối cảnh Việt Nam mới trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà hoạch định chính sách và quản lý di sản đang phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức mới, trong đó có những nhân tố mới như sự xuất hiện và tham gia ngày càng lớn của khối doanh nghiệp tại các khu di sản. Di sản cần có sự tham gia của tư nhân trong  đầu tư phát triển du lịch, quản lý bảo tồn di sản.

Những ví dụ từ di sản Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, Tràng An, Huế đã cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển du lịch tại di sản. Không thể phủ nhận rằng, bằng việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, nguồn lực từ các doanh nghiệp, các di sản đã có những đầu tư cơ bản về mặt hạ tầng, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Đại diện các khu di sản đều cho rằng: Thông qua mô hình hợp tác công tư đã từng bước triển khai chủ trương xã hội hóa phát triển du lịch; huy động được đội ngũ quản lý, chuyên gia, nâng cao năng lực phục vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao thương hiệu điểm đến; góp phần thu hút khách du lịch tăng nhanh; tạo việc làm và phát triển kinh tế  xã hội ở nhiều khu di sản.

Tại khu du lịch Tràng An, doanh nghiệp Xuân Trường đã đầu tư 17.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 10.000 lao động trực tiếp tại địa phương. Tại Phong Nha Kẻ Bàng, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường, du lịch Suối Nước Moọc và Sông Chày, hang Tối…để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách tham quan. So với năm 2010, đến nay lượng khách đến di sản này đã tăng hơn 150%, doanh thu phí tham quan và dịch vụ tăng gấp 10 lần.

Tuy nhiên, các khu di sản cũng phải đối mặt với các nguy cơ và thách thức trước việc phát triển nóng. Đó là vấn đề bong bóng bất động sản; xây dựng và phát triển hạ tầng không phù hợp; phá vỡ cảnh quan tự nhiên khu di sản; tác động môi trường, dân sinh; biến đổi và mất đi các giá trị bản địa…Việc khai thác quá đà vì mục đích kinh tế có thể làm tổn hại các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Tiếp cận vấn đề này nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Trương Hoàng (trưởng khoa Quản trịDu lịch – Khách sạn, ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng“Chúng ta cần tập trung nuôi dưỡng di sản chứ không chỉ khai thác”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cũng nhận định “Hợp tác công tư là một xu hướng của thế giới. Đó là xu hướng đúng đắn. Nhưng Nhà nước phải nắm lấy, giữ lấy những giá trị cốt lõi nhất của di sản”.

Khung chính sách và cơ chế tăng cường bảo tồn di sản và thúc đẩy phát triển bền vững

Ngay từ năm 2009, Ủy ban Di sản Thế giới đã bắt đầu quá trình xem xét mối tương quan giữa vấn đề phát triển bền vững với việc bảo tồn các di sản thế giới. Chính sách di sản thế giới và phát triển bền vững nhằm đưa hệ thống di sản thế giới gắn kết với chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đến năm 2015, Chính sách UNESCO về Lồng ghép phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Di sản Thế giới đã được Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Công ước này thông qua.

Phát biểu tại Kỳ họp 42 của Ủy ban di sản thế giới vừa qua, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cũng cho rằng: Các di sản ngày nay đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như xung đột vũ trang, buôn bán bất hợp pháp, đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu. Và các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến các di sản thế giới đã được ghi danh.

Vì vậy vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững di sản được Ủy ban Di sản Thế giới đặc biệt quan tâm trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và hội nhập sâu như hiện nay.

Theo Giáo sư WilliamLogan, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các quy định quốc gia theo hướng phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, bao gồm Luật Di sản Văn hóa sửa đổi năm 2009 và gần đây nhất là Nghị định số 109/2017/NĐ- CP của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Luật Di sản Văn hóa dự kiến được rà soát và điều chỉnh theo chu kỳ 10 năm vào 2019. Đây là một cơ hội để lồng ghép Chính sách UNESCO 2015 về Di sản thế giới và phát triển bền vững vào hệ thống pháp lý về di sản của Việt Nam.

Khung chính sách quốc gia cũng như của cộng đồng quốc tế cần phải bắt nhịp với tốc độ phát triển nhanh và sự gia tăng các nhân tố tham gia vào quá trình quản lý bảo vệ di sản, nhất là vai trò ngày càng tăng của khối doanh  nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, thường được coi là trọng tâm của vấn đề phát huy, quảng bá di sản.

Tham gia chủ đề này, TS. Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã có bài phát biểu tham luận về Vai trò của Hội đồng cố vấn khoa học đối với di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo đó, Hội đồng tư vấn khoa học được Thành phố Hà Nội thành lập năm 2007 với gần 30 thành viên, do lãnh đạo Thành phố giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng. Các Phó chủ tịch Hội đồng là các chuyên gia của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. Hội đồng đã quy tụ được các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc…cùng các nhà quản lý tư vấn giúp Thành phố Hà Nội và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long, từ khi di sản mới phát lộ đến quá trình lập hồ sơ đề cử di sản thế giới và bảo tồn di sản lâu dài hôm nay.

image002Các đại biểu tham gia phiên 3 của Hội thảo.

Có thể nói, sau khi hoàn thành công tác tư vấn, lập hồ sơ đề cử thành công di sản Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới vào năm 2010, Hội đồng tư vấn khoa học tiếp tục đóng vai trò quan trọng và luôn đồng hành cùng Trung tâm và Thành phố Hà Nội trong công tác nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long.Sau 8 năm được công nhận là di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long đã từng bước thực hiện các cam kết của Chính phủ với UNESCO; mở cửa khu di sản phục vụ đông đảo công chúng; tăng cường các hoạt động cộng đồng; từng bước xây dựng bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu quản lý di sản trong điều kiện mới; xây dựng và hoàn thiện các hành lang pháp lý và công cụ quản lý bền vững di sản thông qua việc phê duyệt các quy hoạch và kế hoạch quản lý; tăng cường hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực bảo tồn di tích, mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ học và đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá di sản, hướng đến du khách và thế hệ trẻ…

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến di sản và lợi ích của cộng đồng địa phương. Gắn di sản với cộng đồng, di sản hướng tới cộng đồng là những cách thức và bước đi đúng đắn để bảo tồn và phát triển bền vững di sản hiện nay.

Hoangthanhthanglong.vn