Hội thảo quốc tế Việt Nam học bàn về những vấn đề đương đại

(Chinhphu.vn) – Diễn ra trong hai ngày 15-16/12, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, tổ chức tại Hà Nội, quy tụ hàng trăm nhà khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.

Nội dung của hội thảo tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn.

Cụ thể là, Việt Nam và các nước trong trật tự khu vực, Ngoại giao văn hóa, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Cấu trúc, dạng thức và phương thức phát huy nguồn lực văn hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa, sự phát triển của hệ giá trị Việt Nam, công nghiệp văn hoá Việt Nam, nhân cách, lối sống người Việt và các xu hướng phát triển.

Chính sách và nguồn lực giáo dục, giáo dục sáng tạo và khởi nghiệp, xây dựng xã hội học tập.

Chính sách và nguồn lực phát triển thị trường khoa học và công nghệ, các công nghệ chiến lược của Việt Nam, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp.

Kinh tế vĩ mô Việt Nam, kinh tế ngành và lĩnh vực ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, thu nhập và công bằng xã hội, môi trường, di dân, đô thị hóa, kinh tế xanh và kinh tế bao trùm.

Đánh giá, dự báo khả năng và giải pháp thích ứng, chống chịu; kinh tế và các mô hình sinh kế thích ứng, đánh giá và dự báo phát thải khí nhà kính, các giải pháp, mô hình và kinh tế giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu và mô hình phát triển bền vững.

Bên cạnh các kết quả về chuyên môn sâu thuần túy, tham luận của các nhà khoa học quốc tế giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình; thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu.

Các kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.

Đến nay, Ban Tổ chức hội thảo nhận được hơn 700 báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ trên 30 quốc gia khác nhau trên thế giới là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự.

Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học Việt Nam học lần V, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức cho biết, Hội thảo quốc tế Việt Nam học luôn là diễn đàn của các nhà nghiên cứu Việt Nam ở khắp năm châu đến trình bày các nghiên cứu của mình về Việt Nam, là sự kết nối và phát triển mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Hiện trong dữ liệu các tạp chí khoa học được xếp hạng theo ISI, Scorpus có khoảng 40.000 bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Có nghĩa là các nhà khoa học trên thế giới có quan tâm đến các đối tượng nghiên cứu, các vấn đề nghiên cứu và giải pháp cho Việt Nam rất nhiều.

Đây là các lý do mà Đại học quốc gia Hà Nội muốn tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế sâu rộng.

Năm 1998, khi tổ chức lần đầu tiên Hội thảo quốc tế Việt Nam học có chủ đề là “Nghiên cứu Việt Nam và phát triển hợp tác quốc tế” có 15 tiểu ban với tổng số 395 báo cáo, trong đó có 163 báo cáo của các nhà khoa học quốc tế.

Hội thảo Việt Nam học lần 2 tổ chức năm 2004, có chủ đề “Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại”, với 10 tiểu ban, tổng số 316 báo cáo trong đó có 104 báo cáo quốc tế.

Hội thảo Việt Nam học lần 3 tổ chức năm 2008, có chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”, với 18 tiểu ban, 531 báo cáo trong đó có 160 báo cáo quốc tế, 370 báo cáo trong nước.

Hội thảo Việt Nam học lần 4 tổ chức năm 2012, có chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, qui tụ gần 1000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 15 tiểu ban.

Phương Nguyên (Cổng thông tin điện tử Chính phủ)