Trùng tu Chùa Cầu - Quan điểm và giải pháp

Hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức với sự tham gia của trên 100 nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản.

Các tham luận do các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học trình bày tại hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Đánh giá về giá trị lịch sử-văn hóa và tình trạng kỹ thuật, kết cấu địa tầng-kiến trúc của di tích Chùa Cầu; Quan điểm và giải pháp kỹ thuật về trùng tu, tôn tạo di tích, từ đó đưa ra các giải pháp tu bổ phù hợp nhằm bảo tồn tính chân xác và phát huy bền vững các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của di tích gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của thành phố Hội An.

Chùa Cầu (Cầu Nhật Bản) - ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An - tương truyền do người Nhật Bản xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Đây được xem là biểu tượng của phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới.

Chùa Cầu có kiểu kiến trúc thật đặc biệt mang đậm nét Việt, mái ngói âm dương phủ kín cây cầu bằng gỗ dài khoảng 18m. Trên cửa chính của ngôi chùa cổ kính này có một tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán là Lai Viễn Kiều.

Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp. 

Cầu có mái che khá độc đáo, ở giữa là lối qua lại kiểu cầu vòng, hai bên có hành lang hẹp để làm nơi nghỉ mát với bảy gian bằng gỗ. Mặt chính của chùa hướng ra bờ sông Hoài thơ mộng. Chùa và cầu đều làm bằng gỗ, sơn son và chạm trổ nhiều họa tiết rất công phu, hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật.

Chùa Cầu đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990. Sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, Chùa Cầu hiện mang các đặc trưng kiến trúc của Hội An thế kỷ XVIII - XIX. Hiện nay, di tích Chùa Cầu đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, tuy nhiên, di tích đang trong tình trạng xuống cấp và cần sớm được tu bổ, gìn giữ lâu dài.

Nguồn: Cinet.gov.vn