CƠ CHẾ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUYỀN TRẺ EM HIỆU QUẢ – KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ VIỆT NAM

Sáng ngày 7 tháng 12 năm 2015, Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF đã tổ chức Hội thảo Cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em hiệu quả – Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là mối quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam, mà là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Việt Nam luôn nhất quán chính sách dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Việt Nam hiện cũng gặp không ít thách thức, trong đó có sự xâm nhập văn hóa không lành mạnh và sự chênh lệch giữa thành thị với khu vực nông thôn, miền núi…

Hội thảo có sự tham gia của các khách mời quốc tế đến từ một số quốc gia đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em độc lập như Na Uy, Ma-lay-xi-a, Ấn Độ và Mông Cổ. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan Chính phủ, các cơ quan Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, các viện nghiên cứu và các CSO.

Việt Nam là quốc gia được thế giới ghi nhận về cam kết bảo vệ và thúc đẩy thực hiện các quyền trẻ em vì là nước đầu tiên ở Châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.
Tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng, trẻ em là chủ thể có đầy đủ quyền con người, quyền công dân; cần sự bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt. Theo đó, kiến nghị sớm sửa đổi Luật Trẻ em, mà cụ thể là các điều khoản qui định việc thành lập một cơ chế giám sát quyền trẻ em độc lập tại Việt Nam. Cơ chế độc lập sẽ giúp giám sát hiệu quả hơn các cam kết cũng như việc thực hiện quyền trẻ em của các cơ quan nhà nước khác nhau.