Phát triển tuyến du lịch tâm linh ở khu vực đồng bằng sông Hồng

Ngày 30/10, tại Khu du lịch Thung Nham (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo "Phát triển tuyến du lịch tâm linh Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam".



Dự hội thảo có đại diện Tổng cục Du lịch, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và 60 doanh nghiệp, công ty lữ hành trên cả nước. 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng phát biểu tại hội thảo.
 Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN 


Hội thảo nhằm quảng bá, thúc đẩy tuyến du lịch tâm linh của khu vực; tìm các giải pháp tăng cường khai thác giá trị của các điểm di tích tín ngưỡng cho phát triển du lịch tâm linh khu vực đồng bằng sông Hồng. Các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận nêu bật những giá trị văn hóa, du lịch tâm linh, giá trị các di tích văn hóa lịch sử, các tuyến du lịch trọng điểm trong khu vực, cũng như những thuận lợi, khó khăn, những điểm còn hạn chế trong phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn. 

Các đại biểu cho rằng tập Tổng cục Du lịch và các địa phương cần phối hợp với các công ty lữ hành trang bị kiến thức cho các hướng dẫn viên về du lịch tâm linh; thành lập các tuyến du lịch tâm linh trọng điểm để các công ty lữ hành phối hợp khai thác; cần xây dựng khẩu hiệu và phương hướng hành động, phối hợp chung giữa chính quyền các địa phương với nhau, chính quyền địa phương với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần cung cấp, trang bị thông tin đa dạng về điểm du lịch, điểm đến hấp dẫn tại mỗi địa phương để hướng dẫn viên và du khách hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền. Tại mỗi khu du lịch, khu di tích cần có những biển chỉ dẫn, biển báo cụ thể bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh... 

Theo ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, ở Ninh Bình chủ yếu du khách hành hương đến các điểm thờ cúng, tế lễ, chiêm bái, cầu nguyện... kết hợp tham quan vãn cảnh, thưởng ngoạn không gian kiến trúc gắn với tâm linh, tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống bản địa. Do vậy, Ninh Bình và các địa phương lân cận cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp lữ hành về vị trí, vai trò của ngành du lịch, cũng như loại hình du lịch đặc thù này. Bên cạnh đó, ngành du lịch và địa phương cần nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, đầu tư cho bảo tồn để phát huy giá trị các di sản; phát huy giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng tôn giáo và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với các điểm tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc thu hút du khách. 

Ông Đinh Viết Dũng, Trưởng phòng Thị trường du lịch nội địa, Công ty cổ phần HG Huế nêu một số khó khăn, thách thức đối với du lịch tâm linh là: Hiện chưa có cái nhìn đúng về du lịch tâm linh, mới chỉ quan tâm và đưa ra những sản phẩm mang tính chất du lịch tín ngưỡng; sự gắn kết giữa các điểm du lịch như chùa, đền với những người làm du lịch còn thiếu, dẫn đến chưa có kịch bản, chương trình du lịch tốt. Đây cũng là dòng sản phẩm rất "kén" khách hàng, chủ yếu là du khách trung và cao tuổi... 

Kết luận hội thảo, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, thời gian tới các địa phương cần phối hợp với các công ty lữ hành phát triển khách nội địa, tập trung vào du khách trung và cao tuổi, bởi đây là lượng du khách chiếm tỷ lệ lớn trong du lịch tâm linh. Cần phát triển sản phẩm du lịch, phát triển tài nguyên du lịch, đầu tư đồng bộ, phù hợp với đặc điểm từng vùng; tăng cường tính liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương, liên kết giữa địa phương với doanh nghệp, công ty lữ hành, cũng như liên kết giữa các công ty lữ hành với nhau để phát triển các tuyến du lịch tâm linh đặc sắc, mới lạ. Mặt khác, các địa phương cần quan tâm, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu điểm đến; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử bền vững. Các địa phương cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về du lịch; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng du lịch; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm đến.../. 

 

Nguồn: TTXVN