Hội thảo quốc tế „Huy động nguồn lực ngoài nhà nước cho khoa học và công nghệ“
Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN, và hơn 50 đại biểu bao gồm các đại diện của GRIPS, NISTPASS, đại biểu đến từ Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần Sơn Kova, các cơ quan quản lý và nghiên cứu.
Sau phần khai mạc và bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng báo cáo dẫn đề của Lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Hội thảo đã nghe và thảo luận các báo cáo đến từ Nhật Bản (03 báo cáo), và doanh nghiệp Việt Nam xoay quanh các chủ đề về vai trò của KH&CN trong phát triển doanh nghiệp, phương thức thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp, các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp, vai trò của nhà nước trong hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động KH&CN tại doanh nghiệp, kinh nghiệm của Nhật Bản và nước ngoài trong việc xử lý các vấn đề tương tự. Các báo cáo được trình bày theo cả cách tiếp cận từ trên xuống với hàng loạt giải pháp chính sách vĩ mô, đồng thời cũng được nhìn nhận dưới khía cạnh từ phía doanh nghiệp.
Nhìn nhận theo cách tiếp cận từ trên xuống, các đại biểu đến từ GRIPS đã trình bày các báo cáo „Chính sách đổi mới của Nhật Bản và Hệ thống đánh giá hoạch định chính sách dựa trên chứng cứ“ do Giáo sư Tateo Arimoto trình bày; báo cáo „Chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản“ do Giáo sư Atsushi Sunami trình bày; báo cáo „Chính sách khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp thúc đẩy công nghệ và đổi mới: Kinh nghiệm của các nước châu Á“ do Giáo sư Patarapong Intarakumnerd trình bày. Các báo cáo này đã đề cập tổng thể chính sách đổi mới của Nhật Bản qua các thời kỳ, các quan điểm quản lý, các mối quan hệ ẩn chứa sau mỗi mục tiêu chính sách, vai trò của các cộng đồng khoa học, cộng đồng công nghiệp... trong việc hoạch định và đánh giá chính sách. Các báo cáo cũng đề cập nhiều đến kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc huy động và khuyến khích các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp miễn thuế, không tính thuế đối với doanh thu trước thuế đầu tư cho KH&CN, tài trợ của Chính phủ, nhìn nhận mối quan tâm của doanh nghiệp dưới quan điểm của nhà chính sách, các giai đoạn phát triển công nghệ quy mô doanh nghiệp...
Với 03 báo cáo „Kinh nghiệm đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp và các kiến nghị chính sách“ do Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel trình bày, báo cáo „Kinh nghiệm đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp và các kiến nghị chính sác“ do Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco trình bày, báo cáo „Kinh nghiệm đầu tư cho KH&CN của Tập đoàn Sơn Kova“ do Bà PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe trình bày đã nêu kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư cho KH&CN nhằm phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp, kinh nghiệm thuận lợi cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong việc vận dụng chính sách của nhà nước để đầu tư cho hoạt động KH&CN. Các báo cáo đều thống nhất vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của doanh nghiệp và kiến nghị các đề xuất để chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ có hiệu quả, thiết thực với nhu cầu và thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Các báo cáo đã được các đại biểu quan tâm trao đổi và thảo luận để thống nhất và làm rõ hơn các quan điểm đề xuất.
Hội thảo quốc tế giữa NISTPASS và GRIPS được cam kết là một hoạt động thường xuyên, được tổ chức luân phiên hàng năm giữa hai tổ chức, nhằm xây dựng môi trường học thuật, trao đổi và thảo luận giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và nghiên cứu chiến lược và chính sách KH&CN./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo
TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Các đại biểu tham gia Hội thảo.
Giáo sư Tateo Arimoto, Chủ tịch GRIPS trình bày báo cáo tại Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova trình bày báo cáo tại Hội thảo.
Nguồn: nistpass