Hội thảo "Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam"

Việt Nam là một trong những nước bị tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Văn hóa - lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương cũng là một đối tượng bị tác động cần được phân tích, đánh giá đầy đủ để có chiến lược ứng phó và giảm nhẹ ảnh hưởng.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 với ưu tiên phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, đã và đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ từ tác động của BĐKH và nước biển dâng. Nhận thức được điều đó, Bộ VH, TT và DL đang triển khai xây dựng chiến lược ứng phó, trong đó nhiệm vụ quan trọng giai đoạn đầu là xác định rõ tác động của BĐKH và nước biển dâng đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Các lĩnh vực được đánh giá bao gồm: hệ thống thiết chế văn hóa (thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa), hệ thống di tích, nghề thủ công truyền thống và một số di sản văn hóa phi vật thể khác, tùy thuộc vào từng loại địa hình, địa bàn cư trú của dân cư. Đánh giá tập trung vào những tác động đối với điều kiện tồn tại và bản thân hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể; xuất phát từ việc môi sinh bị thay đổi nên con người đã phải có những ứng xử phù hợp với môi trường như di cư đến vùng đất mới, thay đổi tập quán canh tác kéo theo đời sống văn hóa cũng thay đổi...

Theo khảo sát mới đây của Bộ VH, TT và DL, công bố tại hội thảo Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam diễn ra ngày 11.12, tại Hà Nội, các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven biển, hải đảo miền Trung được đánh giá là những khu vực có nguy cơ cao. Khu vực bị ảnh hưởng cần được cảnh báo nguy cơ là vùng trung du và miền núi phía Bắc, do có địa hình triền núi cao, đất dốc. Tuy nhiên, theo PGs, Ts Lương Hồng Quang - Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (đơn vị trực tiếp thực hiện khảo sát), những đánh giá khảo sát cho thấy quá trình nhận thức về tác động của BĐKH và nước biển dâng đến lĩnh vực văn hóa chưa được các cấp lãnh đạo địa phương quan tâm và nhận thức đầy đủ. Tác động của BĐKH đến lĩnh vực văn hóa đã thực sự là một vấn đề nóng trong thực tiễn quản lý, điều hành và tổ chức đời sống văn hóa ở các cấp, đặc biệt là các địa phương nằm trong vùng nguy cơ cao.


Đại nội Huế trong lũ                                                                            Nguồn: tienphong.vn


Về biện pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của BĐKH trong lĩnh vực văn hóa, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân trong bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), trước hết cần có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động các thiết chế văn hóa thông tin với BĐKH; ngành Văn hóa cần sớm đề xuất với Chính phủ có các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như: di dời, xây dựng mới các thư viện cấp tỉnh, cấp huyện nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập úng, bị sạt lở đất...; song song với đó tham mưu cho Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Khí tượng thủy văn; hoàn thiện và ban hành sớm Luật Phòng chống và giảm thiểu thiên tai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống BĐKH.

 Dưới góc nhìn nhân học sinh thái, từ thực tế nghiên cứu đặc điểm ứng xử truyền thống và hiện tại của người Dao ở Lào Cai với môi trường, Giám đốc Sở VH, TT và DL Lào Cai, Ts Trần Hữu Sơn cho biết, người Dao tạo ra cả một hệ thống ứng xử với rừng, nguồn nước hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ cuộc sống, phòng chống thiên tai mà điểm nổi bật là xây dựng các khu rừng cấm và chế tài xử phạt nghiêm khắc người vi phạm. “Tuy nhiên, ứng xử của người Dao với môi trường tự nhiên hiện nay đã thay đổi. Rừng cấm, rừng thiêng bị tàn phá, chỉ còn rừng tái sinh. Người Dao ở Lào Cai trong 30 năm qua liên tiếp bị thiên tai đe dọa. Chỉ tính riêng hai huyện Bát Xát và Sa Pa từ năm 1971 đến nay đã có 43 trận lở núi, lũ quét trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng... Vì vậy, để ứng phó với BĐKH, vùng cao cần trở lại và phát huy truyền thống ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên; cấm phá rừng nguyên sinh, thứ sinh để trồng thảo quả, cao su...” - Ts Trần Hữu Sơn đề xuất.

Nguồn: http://daibieunhandan.vn