Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Chính phủ xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Phát triển Du lịch dựa trên sự khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, văn hóa của từng địa phương. Nhưng nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch một cách hợp lý, sẽ làm suy giảm chất lượng môi trường và ảnh hưởng tới phát triển du lịch. Tác động tích cực từ hoạt động du lịch đến môi trường tự nhiên: Nâng cao ý thức bảo tồn cảnh quan thiên nhiên: Cùng với việc phát triển các loại hình du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách, những tác động của con người vào môi trường nhằm bảo tồn cảnh quan thiên nhiên; việc khoanh vùng đầu tư, tu bổ phục vụ hoạt động du lịch ngày càng chú trọng hơn đến những yếu tố tự nhiên; diện tích tự nhiên tại các khu du lịch, đặc biệt là khu bảo tồn thiên nhiên; giữ gìn môi trường sống; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng: Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại và lưu trú của du khách, việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở hạ tầng ở các địa phương (như sân bay, đường sá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc) là hết sức cần thiết. Thông qua các hoạt động du lịch, cơ sở hạ tầng ở các địa phương được đầu tư nâng cấp.
Nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và tăng cường chất lượng môi trường: Du lịch phát triển kéo theo sự gia tăng lượng khách trong nước và quốc tế. Thông qua trao đổi và giao tiếp với du khách, cộng đồng, địa phương sẽ hiểu biết và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái cho hoạt động du lịch. Đồng thời, các tiêu chí về môi trường sẽ thúc đẩy cộng đồng có những sáng kiến làm sạch môi trường, kiểm soát chất lượng không khí, nước, đất, ô nhiễm tiếng ồn, thải rác và các vấn đề môi trường khác tốt hơn.
Tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến môi trường:
Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hiện nay Du lịch Việt Nam đã từng bước khôi phục trở lại, đặc biệt là hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa năm 2023 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Du lịch Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải nỗ lực khắc phục. Bên cạnh những những vướng mắc về chính sách và thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu Việt Nam, ngành du lịch đang có nhiều bất cập trong vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Hơn nữa, tại nhiều điểm du lịch, nạn chèo kéo, ép giá, kinh doanh du lịch trái phép, quảng cáo sai sự thật... còn xảy ra, gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến hình ảnh của Du lịch Việt Nam.
Du lịch phát triển, lượng khách du lịch đông, nhu cầu cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải càng lớn. Nếu không có biện pháp xử lý tốt vấn đề nước thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày tại các điểm du lịch khách sạn, nhà hàng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Gây mất cảnh quan môi trường, lan truyền nhiều loại dịch bệnh và nảy sinh các xung đột xã hội.
Phát triển du lịch có thể gây ô nhiễm khí thông qua phát xả khí thải của động cơ ô tô, xe máy và tàu thuyền, đặc biệt là ở các trọng điểm, trục giao thông chính, gây hại cho cây cối, động vật hoang dã...
Du lịch phát triển kéo theo đó là gây ra tiếng ồn từ các phương tiện giao thông và du khách có thể gây phiền hà cho cư dân địa phương và các du khách khác kể cả động vật hoang dã.
Biện pháp giải quyết mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường:
Định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/2023/NQ-CP 2023 của Chính phủ là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Thực hiện định hướng này, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Cùng với đó là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vùng. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Nâng cao hiệu lực quản lý về môi trường du lịch, kiên quyết yêu cầu các cơ sở du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định. Xây dựng quy chế về xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền giáo dục cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái trong sạch để làm tăng thêm giá trị của cảnh quan môi trường. Giữ vững an ninh và trật tự xã hội ở những khu du lịch đảm bảo tốt môi trường xã hội cho du khách đến du lịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành chính sách tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng có sẵn trang trại, vườn trồng cây lâu năm kết hợp làm du lịch; Bảo đảm quỹ đất cho phát triển du lịch. Khẩn trương hướng dẫn, xác định các loại đất nông nghiệp được kết hợp tổ chức hoạt động du lịch, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách về thí điểm thực hiện khai thác du lịch kết hợp trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm không thay đổi kết cấu, hiện trạng, tính chất, môi trường và mục đích sử dụng đất.
Về phía ngành Du lịch, cần xây dựng chiến lược về bảo vệ môi trường ở các khu du lịch có kế hoạch cụ thể cho việc trồng và bảo vệ cây xanh ở những khu du lịch; quản lý tốt cơ sở hạ tầng và môi trường ở những khu du lịch; khuyến khích, hướng dẫn người dân và các cơ sở dịch vụ du lịch thực hiện thu gom rác một cách khoa học, hợp lý; nâng cao trình độ văn hóa của những người làm trong ngành Du lịch, gắn giáo dục môi trường với các chương trình đào tạo cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch; có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trong vùng gắn với bảo tồn và khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, tăng cường hợp tác liên ngành và quốc tế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.