Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa diễn ra tại Ottawa, Canada

Ngày 23/4, tại Ottawa, Canada đã diễn ra cuộc họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa diễn ra tại Ottawa, Canada

Ngày 23/4, phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về rác thải nhựa đã chính thức diễn ra tại Ottawa, Canada, với sự tham dự của các nhà đàm phán đến từ 180 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 4.200 đại 

biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Mục tiêu chính của phiên lần này là tiến tới hoàn tất thỏa thuận về một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà đàm phán sẽ phải có được một thỏa hiệp toàn diện mang tính ràng buộc về pháp lý đối với rác thải nhựa.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cho biết nhựa đã trở thành hình ảnh thu nhỏ của văn hóa tiêu dùng từ giữa thế kỷ 20, rẻ tiền, dùng một lần và hiện đại. Thế giới đã trở nên phụ thuộc vào thứ văn hóa tiêu dùng này và giờ đây chúng ta đã nhận ra điều đó. Ông Guilbeault cho rằng cần tạo dựng sự đồng thuận mới để loại bỏ điều đó, chấm dứt sự lãng phí, tốn kém và có hại của nhựa bắt đầu từ thời điểm này. Trước thềm phiên họp, ông Guilbeault cho biết mục tiêu của hội nghị thống nhất được 60-70% nội dung thỏa thuận.

Tại Phiên khai mạc, Nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng đã có phát biểu chung về quan điểm của Nhóm, được các quốc gia thảo luận tại cuộc họp nhóm từ ngày 21/4/2024. Nhóm mặc dù gặp khó khăn để tìm tiếng nói chung do có nhiều quan điểm khác biệt giữa các quốc gia thành viên nhưng cũng đã có tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh sự khác biệt về các bối cảnh của các quốc gia, năng lực khác biệt và các phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa điều kiện thành công của Thỏa thuận này. Nhóm tin rằng sự phù hợp, linh hoạt, các biện pháp phù hợp theo lộ trình, đồng thời cho phép thời gian chuyển giao đủ cho các quốc gia và thị trường điều chỉnh theo từng bước sẽ mang đến sự thành công cho Thỏa thuận này.

Sau ba phiên đàm phán trước, các thành viên mới chỉ đưa ra được bản dự thảo về một thỏa thuận chung nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa, tuy nhiên có thể chưa phản ánh hết được các mong muốn cũng như quan điểm của tất cả các bên tham gia. Tại phiên lần này, các bên tham gia sẽ tiếp tục đàm phán và cố gắng để đạt được mục tiêu, mặc dù thời gian còn lại là phiên cuối cùng vào cuối năm nay ở Busan, Hàn Quốc.
Nhà vận động không rác thải nhựa Anthony Merante của Oceana Canada cho rằng thế giới không thể trì hoãn việc giải quyết cuộc khủng hoảng này thêm nữa. Ô nhiễm nhựa không có biên giới và là vấn đề môi trường cấp bách thứ hai sau biến đổi khí hậu. Sự tàn phá do ô nhiễm nhựa ở đại dương là không thể phủ nhận, với những đảo rác trôi nổi, cá voi chết trên bãi biển với bụng chứa đầy túi nhựa và đặc biệt là việc hải sản bị nhiễm vi hạt nhựa.

Đoàn Việt Nam tham gia tham dự Phiên đàm phán với quan điểm thế giới tập trung vào vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa trong đó nhấn mạnh vai trò của nhựa và các sản phẩm nhựa trong xã hội; tầm quan trọng của khu vực phi chính thức trong quá trình giải quyết ô nhiễm nhựa; nhu cầu hỗ trợ về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để các quốc gia đang phát triển đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt và năng lực tương ứng của quốc gia, chuyển đổi công bằng, xóa đói giảm nghèo, trách nhiệm giữa các thế hệ và vì mục tiêu phát triển bền vững