Du lịch tại đô thị từ góc nhìn sản phẩm và thị trường du lịch
Dựa trên nhận thức về du lịch tại đô thị và xuất phát từ đặc điểm của đô thị, theo đó bản thân đô thị, nhất là những đô thị đặc biệt, và đô thị loại I, nơi tập trung lượng lớn dân cư, bao gồm cư dân đô thị, cán bộ và lao động nước ngoài, sinh viên… việc nhìn nhận mối quan hệ giữa “Cung” và “Cầu” du lịch hay cụ thể hơn là giữa “Sản phẩm” và “Thị trường” du lịch tại đô thị cần được đầy đủ hơn, theo đó bản thân dân cư đô thị cũng là thị trường khách quan trọng. Như vậy có thể thấy với góc nhìn về mối quan hệ giữa “sản phẩm” và “thị trường” du lịch đô thị, bản thân dân cư đô thị cũng sẽ là thị trường lớn của những sản phẩm du lịch đô thị, đặc biệt là những sản phẩm được xây dựng ở vùng ngoại thành, nơi du lịch đô thị đã mang “màu sắc” của du lịch nông thôn.
Du lịch tại đô thị phát triển trong ranh giới đô thị, tuy nhiên hoạt động du lịch tại đô thị đích thực chỉ gắn liền với các điểm tham quan, trải nghiệm và dịch vụ đặc trưng của đô thị ở khu vực nội thành, trong khi đó hoạt động “du lịch tại đô thị” ở khu vực ngoại thành được thực hiện trong không gian mở với những sản phẩm du lịch không còn mang tính đặc trưng của đô thị nữa. - Khác với du lịch nông thôn, du lịch tại đô thị luôn gắn liền với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ chất lượng cao và đặc biệt là kinh tế đêm ở các đô thị. Du lịch gắn với kinh tế đêm là đặc điểm rất riêng có của hoạt động du lịch tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn đồng thời là trung tâm phân phối khách của quốc gia hoặc vùng.
- Trong tổ chức không gian du lịch của một lãnh thổ hành chính cấp quốc gia, cấp vùng hoặc địa phương cấp tỉnh, các đô thị, trước hết là đô thị đặc biệt và đô thị loại I luôn được xác định là các trung tâm du lịch bởi đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Chính vì vậy, khác du lịch nông thôn, hoạt động du lịch tại đô thị sẽ luôn được hỗ trợ bởi các chính sách dành cho phát triển các trung tâm du lịch như chính sách ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch, chính sách về phát triển kinh tế đêm gắn với du lịch.v.v.
- Phát triển du lịch đô thị, ngoài những lợi ích như đóng góp về kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và tạo sự lan tỏa cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ đô thị, thì sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực đến hạ tầng xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông ở vùng lõi đô thị. Sự tập trung khách du lịch đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu cung cấp điện nước và gia tăng yêu cầu thu gom và xử lý chất thải. Trong nhiều trường hợp áp lực của du lịch đô thị vượt quá năng lực của hệ thống cung cấp điện nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân đô thị và làm tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng trở nên trầm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại các đô thị. Ở chiều ngược lại, đô thị thường là nơi tập trung nhiều nguồn phát thải, đặc biệt là nơi tập trung nhiều phương tiện giao thông, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường. Bên cạnh đó do có sự tập trung dân cư lớn với nhiều thành phần phức tạp, vì vậy tình trạng mất an ninh, an toàn cũng thường cao hơn du lịch ở vùng nông thôn, Đây cũng chính là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch bền vững tại các đô thị. Bên cạnh đó du lịch tại đô thị, đặc biệt ở khu vực nội thành luôn phải đối mặt với các tệ nạn xã hội vốn “song hành” với sự phát triển của đô thị như tình trạng mại dâm, lừa đảo, chèo kéo đeo bám khách... Chính vì vậy phát triển du lịch tại đô thị cần phải coi trọng công tác quản lý điểm đến dựa trên nguyên tắc “sức chứa” và nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm để đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững tại các đô thị.
Võ Thị Kim Dung