Những quốc gia đã áp dụng danh mục phân loại xanh trên thế giới

Liên minh châu Âu (EU), một trong những khu vực đầu tiên ban hành danh mục phân loại xanh vào năm 2020.

Liên minh châu Âu (EU), một trong những khu vực đầu tiên ban hành danh mục phân loại xanh vào năm 2020.

Danh mục phân loại xanh (Green taxonomy) là một hệ thống phân loại để xác định các hoạt động kinh tế và đầu tư giúp thúc đẩy một quốc gia đạt được các mục tiêu môi trường ưu tiên cụ thể của quốc gia đó, ví dụ như giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là một trong những công cụ được các nhà đầu tư sử dụng để xác định các hoạt động kinh tế bền vững với môi trường. Theo đó, các khoản đầu tư vào hoạt động kinh tế này sẽ được coi là đầu tư “bền vững”. Ngoài ra, các danh mục phân loại xanh cũng sẽ giúp các công ty xác định mức độ “xanh” trong hoạt động kinh doanh của họ. Từ những nội dung này, doanh nghiệp có thể đo lường những tác động của họ đối với môi trường.

Mỗi quốc gia có những cách triển khai danh mục phân loại xanh khác nhau. Trong đó, ở một số nơi, quy định này chỉ xác định đâu là hoạt động “xanh”. Trong khi Indonesia hay Singapore sử dụng cách tiếp cận kiểu “đèn giao thông”. Tức là các hoạt động kinh tế tại đây được chia thành các loại khác nhau (ví dụ: xanh, vàng hoặc đỏ) để phân loại tính bền vững với môi trường của từng doanh nghiệp. Một số nguyên tắc phân loại khác, như danh mục xanh của EU, lại bao gồm các hoạt động chuyển đổi (tức là các hoạt động chưa thể được thay thế bằng các giải pháp xanh khả thi về mặt công nghệ và kinh tế, nhưng chúng hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa khí hậu).

EU khởi đầu đưa ra danh mục phân loại xanh

Động lực cho sự khởi đầu của phân loại xanh đầu tiên được đưa ra sau khi Ủy ban EU nhận thấy Châu Âu cần đầu tư hơn 700 tỷ euro (761 tỷ USD) mỗi năm để đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi năng lượng nhằm chống khủng hoảng khí hậu.

Danh mục phân loại xanh của EU là một phần trong nỗ lực rộng lớn của khu vực nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và bền vững hơn. Danh mục này được đề xuất như một phần của Kế hoạch hành động của EU hướng tới Tài chính bền vững, được giới thiệu vào năm 2018 và chính thức được thông qua vào tháng 7 năm 2020. Trong đó, yêu cầu các công ty và tổ chức tài chính công khai hoạt động xem liệu họ có đủ điều kiện để đươc phân loại “xanh” hoặc phù hợp với tiêu chuẩn phân loại xanh hay không. Mục tiêu tổng thể của Kế hoạch hành động của EU là chuyển hướng các dòng tài chính sang đầu tư bền vững và tích hợp các tiêu chí ESG (môi trường – xã hội – quản trị) vào lĩnh vực tài chính.

 Nhiều quốc gia nghiên cứu và hiện thực hóa

Năm 2023, Viện Tài chính Bền vững Úc (ASFI) đã bắt đầu giai đoạn phát triển phân loại tài chính bền vững với việc bổ nhiệm Nhóm chuyên gia kỹ thuật phân loại tài chính (TTEG). Cơ quan này sẽ đưa ra định hướng chiến lược về chất lượng đầu vào và xác định một hệ thống phân loại tài chính bền vững của Úc. Danh mục phân loại xanh của Úc là sáng kiến chung giữa chính phủ và cơ quan phụ trách lĩnh vực này nhằm cung cấp một tiêu chuẩn chung cho tài chính xanh và chuyển đổi. Qua đó, đẩy nhanh việc phân bổ vốn cho các hoạt động bền vững nhằm đạt được các mục tiêu không có ròng của Úc.

Nhiều quốc gia khác cũng đã bắt đầu xây dựng bộ quy định cho danh mục phân loại xanh hoặc đã hoàn thiện danh mục phân loại xanh của riêng mình. Trong đó, Indonesia, Sri Lanka và Kazakhstan, cùng với các quốc gia khác ở châu Á, đã hoàn thiện danh mục phân loại xanh. Các quốc gia Mỹ Latinh đang nghiên cứu các nguyên tắc phân loại phù hợp với bối cảnh khu vực.  Colombia là quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ triển khai danh mục phân loại xanh và các quốc gia Mỹ Latinh khác, bao gồm Mexico, Peru và Chile đang theo bước Colombia. Cộng hòa Dominica là quốc gia đầu tiên ở Caribe bắt đầu phát triển hệ thống phân loại xanh.

Cần sự phối hợp toàn cầu

Các nhà đầu tư cho biết họ hoan nghênh sự phát triển của các danh mục phân loại xanh trên khắp thế giới. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp hài hoà của các quốc gia, việc có quá nhiều cách tiếp cận khác nhau có thể  khiến những công cụ này trở nên thiếu thực tế.

Một trong những vấn đề quan trọng là các nguyên tắc phân loại xanh phải xem xét các đặc điểm độc đáo của nền kinh tế cơ bản. Dù vậy, nếu các khu vực pháp lý đưa ra những quy định quá khác nhau, điều đó sẽ khiến hoạt động kinh tế của một công ty được coi là xanh theo phân loại quốc gia này nhưng lại không công được công nhận ở quốc gia khác. Sự thiếu nhất quán này sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư và tạo ra rào cản cho đầu tư bền vững.

Do đó, nền tảng quốc tế về tài chính bền vững (IPSF) đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiềm năng của các danh mục  phân loại xanh, tăng sự tương tác giữa các quy định và đưa thế giới hướng tới một tiêu chuẩn chung cho danh mục xanh.

Hiện tại, trong khi IPSF và các nhóm chuyên gia kỹ thuật đang nỗ lực thúc đẩy sự phối hợp hài hòa và liên kết danh mục tiêu chuẩn xanh giữa các quốc gia, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phát triển một khuôn khổ dựa trên các nguyên tắc đã được xác định để quản lý hoạt động đánh giá của nguyên tắc phân loại khác nhau giữa các khu vực pháp lý.