Việt Nam cùng các nước tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Việt Nam cùng với gần 170 nước tham gia Phiên đàm phán thứ 3 xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Trong các ngày 13-19/11, Việt Nam cùng với gần 170 nước tham gia Phiên đàm phán thứ 3 xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ họp tại Trụ sở Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Thủ đô Nairobi, Kenya.

Đây là phiên đàm phán tiếp nối các phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp tháng 6/2023. Tại phiên đàm phán này, lần đầu tiên Việt Nam cùng với các nước chính thức thảo luận nội dung của Thỏa thuận sau khi dự thảo số 0 được Ủy ban đàm phán liên chính phủ đưa ra vào tháng 9/2023.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Bà Inger Andersen - Giám đốc điều hành UNEP, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Thỏa thuận - văn kiện ràng buộc pháp lý để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trên phạm vị toàn cầu theo Nghị quyết số 5/14 được thông qua tại Hội nghị Môi trường Liên hợp quốc lần thứ 5 (UNEA 5) tại Nairobi.

Bà Inger Andersen nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ polyme đến sản xuất sản phẩm, đóng gói và thải bỏ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế khai thác, sử dụng nguyên liệu thô; đồng thời tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và đảm bảo thải bỏ an toàn chất thải nhựa nhằm bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn công tác của Việt Nam tham gia Phiên đàm phán thứ 3 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, với sự tham gia của các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Công an, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại đây đoàn đàm phán của Việt Nam có cơ hội chia sẻ những quan điểm của mình liên quan đến vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa, trong đó nhấn mạnh  kết hợp việc thừa nhận vai trò của nhựa và các sản phẩm nhựa trong xã hội, thừa nhận tác động của ô nhiễm nhựa đối với sức khỏe con người, môi trường và sinh kế; tầm quan trọng của khu vực phi chính thức trong quá trình này và nhu cầu hỗ trợ về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để các nước đang phát triển đảm bảo tốt hơn những đóng góp đầy tham vọng của họ trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Đại diện đoàn nhấn mạnh đến sự tham gia và trách nhiệm chung của các quốc gia đến hoàn cảnh, trình độ phát triển và năng lực của nước phát triển và đang phát triển là khác nhau và cần có có phân biệt giữa các quốc gia này. Quan điểm chung được đề xuất đưa các nguyên tắc về trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt và năng lực tương ứng vào quá trình chuyển đổi công bằng, xóa đói giảm nghèo, trách nhiệm giữa các thế hệ và phát triển bền vững.

Ngay sau Phiên khai mạc toàn thể, gần một nghìn đại biểu của gần 170 nước sẽ bước vào thảo luận nội dung của Thỏa thuận tại các Nhóm liên hệ trên cơ sở dự thảo số 0 của Thỏa thuận và Báo cáo tổng hợp của Ủy ban đàm phán liên chính phủ. Trước đó, ngày 11/11, các nước đã họp trù bị cho ý kiến về những nội dung chưa được trao đổi tại Phiên đàm phán thứ 2. Theo Ban tổ chức, có gần 2.400 đại biểu của các nước thành viên Liên hợp quốc và các đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức tư nhân tham dự Phiên đàm phán tại Nairobi.