Chia sẻ nguồn lực, thông tin để giảm nhẹ thiệt hại thiên tai của các quốc gia ASEAN

Khi Việt Nam đăng cai Hội nghị AMMDM lần thứ 11, các nước ASEAN và Đông Timor (tham dự với tư cách giám sát viên) kỳ vọng có nhiều sáng kiến, các hoạt động thiết thực để quản lý thiên tại ở ASEAN

Tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 9-13/10/2023 đã diễn ra hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, lãnh đạo phòng chống thiên tai của 14 quốc gia, gồm Đông Nam Á và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã bàn bạc nhiều nhiệm vụ quan trọng hợp tác ứng phó rủi ro thiên tai xuyên biên giới. Nhiều tổ tổ chức quốc tế như ADB, UNDP, OCHA... cam kết đồng hành cùng ASEAN trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan. 

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN về Quản lý Thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các hoạt động trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu-ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai.”

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Chính vì vậy, “Quản lý rủi ro thiên tai” là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp.

“Công tác phòng chống thiên tai tại khu vực Đông Nam Á đã đạt được những kết quả thiết thực về tất cả các mặt của quá trình phòng, chống thiên tai, từ đánh giá và giám sát, phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đến tăng cường khả năng chống chịu thiên tai”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng khi Việt Nam đăng cai Hội nghị, các nước ASEAN và Đông Timor (tham dự với tư cách giám sát viên) kỳ vọng có nhiều sáng kiến, các hoạt động thiết thực để quản lý thiên tại ở ASEAN.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi thiên tai rất nhiều, chỉ sau Philippines. Vì vậy, Hội nghị lần này ngoài Tuyên bố Hạ Long, sẽ có các biên bản: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý Thiên tai lần thứ 11; Hội nghị lần thứ 12 các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Quản lý Thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (Hiệp định AADMER); Họp thường niên lần thứ 42, 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM) các cuộc họp liên quan; Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2021-2025, góp phần định hướng cho việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN về Quản lý Thiên tai sau năm 2025 cũng như Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2025-2030.

Hội nghị lần này các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến và thông qua một số nội dung chính về: Triển khai quyết định của lãnh đạo cấp cao có liên quan; cập nhật kết quả thực hiện chương trình quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) 2021-2025 trong thời gian qua; trao đổi để trình Hội nghị Bộ trưởng thông qua Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN. Cùng với đó, thảo luận về Quy định tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp ASEAN; điều khoản về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng thư ký ASEAN với vai trò là Điều phối viên Hỗ trợ nhân đạo ASEAN; nội dung hợp tác, thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và cập nhật kết quả thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai khu vực ASEAN trong thời gian qua".

Phùng Tiến