Chuẩn bị vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới, có thể thực hiện ngay trong quý IV năm 2023

Theo dự thảo Đề án về phát triển thị trường carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức 3 năm sau đó

Tuy niên, mới đây Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới, có thể thực hiện ngay trong quý IV năm 2023.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép. Đây cũng là đơn vị được giao tổ chức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Sàn giao dịch tín chỉ carbon được hình thành sẽ giúp kết nối người mua, người bán trên thị trường với nhau. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, từ đó tối đa hoá các giao dịch trên thị trường. Sàn giao dịch tín chỉ các bon cũng sẽ tăng tính minh bạch của thị trường trong việc định giá carbon. Khi tất cả người mua, người bán đều giao dịch trên thị trường tập trung, giá cả sẽ phản ánh chính xác cung-cầu của thị trường và được công khai, minh bạch. Nhờ đó, bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giao dịch được mua ở mức giá tối ưu, hiệu quả nhất. Ngoài ra khi tham gia trên sàn giao dịch, các doanh nghiệp sẽ tăng được vị thế và tính cạnh tranh, có thêm nguồn lợi nhuận, thúc đẩy phát triển các công nghệ ít phát thải carbon, hướng đến sản xuất bền vững, hiệu quả gắn với lợi ích xã hội.

Về mặt vĩ mô, việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường carbon, giá cả phản ánh chính xác cung cầu của thị trường là một công cụ, tín hiệu để điều tiết, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp phát thải nhiều phải đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính.

Trên thực tế, số tín chỉ carbon của Việt Nam cao hơn 40 triệu, bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... đều tạo ra tín chỉ carbon. Hiện nay, tình trạng phát thải carbon tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới, nên để giảm phát thải, nhu cầu hấp thụ carbon ở Việt Nam cũng rất cao.Tại Việt Nam, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.

Việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện cắt giảm khí nhà kính hướng theo các cam kết khí hậu trước đây và đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo thỏa thuận chung tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 

(COP26), đã hình thành thị trường carbon, nơi các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu đã cam kết.

Sàn giao dịch tín chỉ carbon được vận hành sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý tốt được các giao dịch mua bán tín chỉ carbon, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, quản lý, đề ra các mục tiêu, kế hoạch về triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính./.

Phùng Tiến