Cần Tăng nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thúc đẩy công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phục vụ quá trình phát triển nền "kinh tế xanh"

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian tới là tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan tập trung thúc đẩy công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học phục vụ quá trình phát triển nền "kinh tế xanh".

Việt Nam, hiện nay đã tham gia và đóng góp tích cực vào các điều ước quốc tế liên quan (Công ước đa dạng sinh học; Công ước Ramsar; Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Nghị định thư bổ sung Nagoya-Kuala Lumpur…).

Bộ TN&MT cho biết,  thời gian qua, mặc dù nguồn ngân sách chi cho hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, từng bước hoàn thiện chiến lược, chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Các cam kết quốc tế, yêu cầu từ thực tiễn trong nước đã được luật hoá trong hệ thống các văn bản gồm: Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Thuỷ sản, trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều văn bản liên quan khác, qua đó từng bước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đa dạng sinh học của Việt Nam - nguồn vốn tự nhiên quan trọng đối với sự phát triển "kinh tế xanh".

Cũng theo Bộ TN&MT, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên để góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; văn bản pháp luật về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong hoạt động quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.

Đồng thời, tăng cường đầu tư ngân sách để triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo kế hoạch được giao trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, sử dụng bền vững loài, nguồn gen; tăng cường nghiên cứu nhằm quản lý hoặc kiểm soát các tác động tiêu cực của công nghệ sinh học đối với đa dạng sinh học và sức khoẻ con người; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, sử dụng các biện pháp khai thác bền vững về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Cùng với đó là kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ quản lý về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý đa đạng sinh học; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành có chức năng quản lý liên quan về bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường năng lực các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học và các tổ chức chính trị-xã hội, các đối tác phát triển trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.

Phùng Tiến.