Nghiên cứu xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia

Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP)

Ngày 11/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã tổ chức “Hội thảo nghiên cứu xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia”.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 91, Điều 92), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Điều 45, Điều 46); Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và ông John Robert Cotton, Giám đốc Quản lý Chương trình Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã cùng chủ trì hội thảo. Tham dự trực tiếp và trực tuyến có đại diện 70 doanh nghiệp, cùng các ngân hàng, hiệp hội, các viện/trường nghiên cứu trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Quang cho biết: Theo Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia đang phát triển có tỷ lệ đô thị hóa cao, khiến cho nhu cầu làm mát liên tục tăng.

Hệ thống làm mát bao gồm điều hòa không khí, quạt gió và máy làm mát ước tính chiếm tới 40% nhu cầu điện dân dụng và 25-40% nhu cầu điện năng trong dịch vụ và thương mại/công cộng. Tuy nhiên, các thiết bị làm mát thông thường (tủ lạnh, máy điều hòa không khí dân dụng, máy làm lạnh quy mô công nghiệp...) là nguyên nhân gây ra phát thải khí nhà kính toàn cầu. Việc làm mát gián tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu sử dụng điện (phần lớn vẫn được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch) và thông qua việc rò rỉ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, vốn có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với phát thải CO2. Nếu không được kiểm soát, lượng khí thải từ quá trình làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần vào năm 2100.

Do đó, làm mát hiệu quả, bền vững có thể giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam xóa đói giảm nghèo, giảm thất thoát lương thực, cải thiện sức khỏe, quản lý nhu cầu năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên hợp quốc (UNOPS) ký ngày 21/6/2022, Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS đã thống nhất thực hiện hoạt động “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia (NGCP)”. Hai bên sẽ đánh giá hiện trạng công nghệ, tình trạng thị trường và các chính sách quốc tế/quốc gia đối với lĩnh vực làm mát tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất phương án xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và các-bon thấp, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát.

Xung quanh các nội dung này, các đại biểu đã cùng thảo luận về kế hoạch triển khai và sự tham gia của các bên liên quan trong việc xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia. Dự kiến, các kết quả của hoạt động nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023./.

Phùng Tiến