Tổng kết Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris

Ngày 31/3, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA).

Ngày 31/3, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (VN-SIPA).

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và ông Jens Schmid-Kreye, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đã đồng chủ trì Hội thảo.

Dự án có thời gian triển khai trong 4 năm (2019 - 2023) với tổng nguồn vốn 10,3 triệu EUR. Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực hỗ trợ triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại 5 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng với 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Dự án gồm 5 hợp phần: Tăng cường năng lực xây dựng, rà soát, cập nhật, triển khai, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Thỏa thuận Paris; Tăng cường khung pháp lý thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và lồng ghéo NDC vào Chiến lược ngành; Thực hiện thí điểm thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Hà Tĩnh và Quảng Bình; Xây dựng một số hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); Tăng cường điều phối các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu toàn cầu IKI.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, trong thời gian gần 4 năm qua Dự án VN-SIPA đã hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris và đạt được những kết quả rất tích cực.

Ở cấp Trung ương, với sự hỗ trợ của GIZ và một số đối tác khác, Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật vào 2020 và năm 2022; đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và 3 Thông tư (Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT, Thông tư 17/2022/TT-BTNMT; Thông tư số 48/2022/TT-BGTVT).

Dự án hỗ trợ xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với một số dự thảo kế hoạch ngành. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phù hợp với mục tiêu cam kết và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris, phản ánh nỗ lực triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Các hướng dẫn kểm kê khí nhà kính trong một số lĩnh vực, hệ thống giám sát đánh giá thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn MRV một số lĩnh vực cũng đã được xây dựng. Bên cạnh đó, năng lực đàm phán biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành cũng được tăng cường. Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các Bộ để xây đựng 2 đề xuất NAMA quốc tế lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng; 2 đề xuất NAMA trong nước về chăn nuôi và giao thông. 

Ở cấp địa phương, dự án hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh triển khai thành công 5 mô hình thí điểm các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại tỉnh Quảng Bình, Dự án cùng với các bên liên quan thí điểm thành công 3 giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái đô thị. Theo ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, 

các mô hình thí điểm là những giải pháp thích ứng hiệu quả, góp phần đảm bảo thích ứng BĐKH với một khu vực chịu ảnh hưởng lớn như tỉnh Quảng Bình.

Bên cạnh tổng kết các kết quả giai đoạn I của Dự án, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận về kế hoạch triển khai giai đoạn II từ năm 2023 - 2028. Mục tiêu hướng tới hoàn thiện thể chế, chính sách về BĐKH tại Việt Nam; tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của BĐKH và bảo tồn đa dạng sinh học; có những hành động giảm nhẹ và thích ứng có thể đo lường kết quả.Chia sẻ về nhu cầu của Việt Nam trong thời gian tới, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí cho rằng, dự án cần hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26 và Tuyên bố Chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP. Trong đó, chú trọng thực hiện NDC và Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học; tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật triển khai JETP, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào giảm phát thải khí nhà kính.

Phat biểu tại Hội thảo, ông Jens Schmid-Kreye kỳ vọng, các ban, ngành tiếp tục chung tay, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để cùng nhau hướng tới mục tiêu quốc gia trung hòa khí hậu vào năm 2050, thực hiện NDC, và mục tiêu cụ thể của Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). VN-SIPA là ví dụ cho sự hợp tác thành công giữa Đức và Việt Nam, mở đường cho các hoạt động hợp tác mạnh mẽ hơn với những mục tiêu cao hơn tong thời gian tới.

https://monre.gov.vn/Pages/tong-ket-du-an-ho-tro-viet-nam-thuc-hien-thoa-thuan-paris.aspx?cm=Bi%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BB%95i%20kh%C3%AD%20h%E1%BA%ADu