Kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam

Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện trách nhiệm trong giải quyết những thách thức toàn cầu, đồng thời cũng là cơ hội để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. So với cách thức tăng trưởng tuyến tính trước đây, kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả tăng trưởng cao hơn, trên cơ sở tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức đề cập đến khái niệm và các quy định về kinh tế tuần hoàn. Theo Khoản 1, Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Một số cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: Phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng; Tái chế, tái sử dụng chất thải; Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); Các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; Phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường...

Những bước tiến trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian gần đây tập trung vào 3 lĩnh vực, bao gồm: Sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên; Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị; Tái chế chất thải. Trong đó, việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên gắn với mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, các mô hình vườn – ao – chuồng kiểu mới; mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch sinh thái có phát thải các-bon thấp… Việc kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị gắn với các phong trào giảm sử dụng và thay thế đồ dùng bằng nhựa, ni lông (thay chai nhựa bằng chai thủy tinh, inox; dùng túi vải khi đi chợ, siêu thị); nâng cao năng lực sơ chế, chế biến sâu nông sản, thủy hải sản; tái sử dụng, sửa chữa, phân loại, tân trang các loại thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, thiết bị sản xuất, các công trình…

Việc tái chế chất thải bước đầu đã có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất thực hiện như sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, sản xuất đất sạch từ bùn thải nạo vét, bùn thải nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, tái sử dụng phế thải nông nghiệp trồng nấm và ủ thức ăn chăn nuôi; sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ, thạch cao của nhà máy điện than, phân bón; sản xuất viên nhiên liệu nén, viên nhựa nén từ chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp…

Trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay, cần phải nhìn nhận khó khăn, bất cập về việc thiếu hụt cơ sở pháp lý, đặc biệt là hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp và chính sách, chế độ hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong một hệ thống nhỏ. Sự phối hợp giữa các bên liên quan hiện nay vẫn dựa trên lợi ích kinh tế. Điều này cần được thay đổi trong tư duy doanh nghiệp trên cơ sở thiết kế, tìm kiếm những mô hình tiêu biểu để lan tỏa.

Chuyển đổi tư duy để phát triển kinh tế tuần hoàn

Muốn phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, tư duy phát triển cần được thay đổi từ nền “kinh tế tuyến tính” sang “nền kinh tế tuần hoàn”, từ “tăng trưởng nâu” sang “tăng trưởng xanh”, từ “chất thải” đến “coi chất thải là tài nguyên”, từ “tiêu hủy chất thải” sang “tái chế chất thải”, từ “quản lý chất thải” sang “quản lý tổng hợp chất thải”.

Công tác quy hoạch, thực hiện lồng ghép các nội dung kinh tế tuần hoàn vào quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, cấp ngành cần được thực hiện tốt. Việc xây dựng Kế hoạch hành động phát triển kinh tế tuần hoàn các cấp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Thông thông tư 02/2022/ TT- BTNMT là cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Quá trình thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần ưu tiên triển khai các giải pháp tăng cường tái chế chất thải. Trong đó, đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tái chế các phế liệu thu được, triển khai quy định về trách nghiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) và áp dụng tổng hợp 4 nhóm công cụ quản lý môi trường (bao gồm: công cụ chính sách pháp luật; công cụ kỹ thuật, công nghệ; công cụ kinh tế; công cụ truyền thông, nâng cao nhận thức) trong công tác quản lý chất thải rắn. Quá trình này cũng cần huy động 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà dân (cộng đồng) cùng tham gia tích cực.

Cùng với việc chú trọng phát triển cả thị trường tái chế và thị trường tiêu thụ các sản phẩm tái chế, Việt Nam cũng cần xây dựng cơ chế, nguồn vốn hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, hỗ trợ tín dụng, trợ giá sản phẩm tái chế.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần nhanh chóng quy hoạch không gian phát triển công nghiệp tái chế, triển khai những mô hình thí điểm phát triển KTTH với một số loại phế liệu và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, chính sách, thể chế nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế.

https://monre.gov.vn/Pages/kinh-te-tuan-hoan-huong-den-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng