Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho bảo tồn đa dạng sinh học

Xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học là một nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ TN&MT.

 

Theo Kế hoạch này, Bộ TN&MT sẽ xây dựng hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án; các văn bản quy phạm pháp luật; các hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật; văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về đa dạng sinh học. Kế hoạch đưa ra lộ trình 2 giai đoạn: 2022-2025 và 2026-2030.

* Giai đoạn 2022-2025: Mở đầu thực hiện các quy hoạch, chương trình, đề án lớn

Trong giai đoạn 2022-2025, Bộ TN&MT tập trung xây dựng, trình ban hành hàng loạt những quy hoạch, Chương trình hoạt động lớn, đề án quan trọng làm tiền đề cho việc thực hiện Chiến lược.

Đó là: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch mở rộng và tăng cường quản lý hệ thống các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam; Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Chương trình đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên;  Chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch hành động và chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học ở cấp tỉnh; - Đề án tăng cường năng lực cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;  Đề án phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước bị suy thoái; Đề án phát huy giá trị, tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả vốn tự nhiên và đa dạng sinh học cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID; Đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên…

Bên cạnh đó, hàng loạt văn bản pháp quy được xây dựng, sửa đổi bổ sung như sửa đổi Nghị định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Đa dạng sinh học; dự thảo Thông tư quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại; Dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, quan trắc đa dạng sinh học.

Các hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về đa dạng sinh học cũng được tập trung xây dựng trong giai đoạn này làm “cẩm nang” cho quá trình thực hiện Chiến lược tại các Bộ, ngành, địa phương. 

Đó là các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; Hướng dẫn kỹ thuật lập hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển thế giới; hướng dẫn lập dự án xác lập, công nhận di sản thiên nhiên; Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động đến đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư; Hướng dẫn kỹ thuật về thành lập, quản lý các khu vực đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái quan trọng; Hướng dẫn kỹ thuật về lập đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở; Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai; Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá hiệu quả quản lý di sản thiên nhiên; Hướng dẫn kỹ thuật về đề cử, công nhận các danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên (khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản thiên nhiên thế giới, khu Ramsar, Vườn di sản ASEAN…).

 Giai đoạn 2026-2030: Nghiên cứu sửa đổi Luật Đa dạng sinh học

Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ TN&MT tiếp tục xây dựng, trình ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, các loài nguy cấp, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, huy động nguồn lực và xây dựng năng lực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đặc biệt, Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và tổ chức xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản về đa dạng sinh học như dự thảo Đề án sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các văn bản quy phạm pháp luật về: thành lập và quản lý hành lang đa dạng sinh học; thành lập, quản lý các khu vực đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái quan trọng; bảo tồn các loài nguy cấp; tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen; ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; tiêu chuẩn phát triển du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững bảo đảm giảm thiểu tác động tới đa dạng sinh học; bồi hoàn đa dạng sinh học; quản lý các di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận…

https://monre.gov.vn/Pages/tao-hanh-lang-phap-ly-vung-chac-cho-bao-ton-da-dang-sinh-hoc.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng