Đàm phán về Hiệp ước Bảo vệ đa dạng sinh học vùng biển tiếp tục bế tắc

Sau nhiều kỳ họp, các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết loạt vấn đề mà các vùng biển quốc tế đang phải đối mặt.

Sau 2 tuần đàm phán, kỳ họp của Liên hợp quốc nhằm thảo luận hiệp ước bảo vệ sự đa dạng sinh học các vùng biển quốc tế đã kết thúc vào ngày 26/8 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Chủ tịch kỳ họp Rena Lee cho biết mặc dù các nước thành viên Liên hợp quốc đã đạt những tiến bộ quan trọng, song các bên vẫn cần thêm thời gian đến tiến tới đích.

Như vậy, sau 15 năm đàm phán, gồm 4 kỳ họp chính thức trước đó, các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết loạt vấn đề mà các vùng biển quốc tế đang phải đối mặt.

Theo bà Lee, Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ ấn định thời điểm tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về hiệp ước này.

Vòng đàm phán về hiệp ước bảo vệ sự đa dạng sinh học các vùng biển quốc tế diễn ra tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) từ ngày 15/8.

Trước đó, đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến độ các cuộc đàm phán trong 2 năm, trong khi kỳ họp tháng Ba vừa qua đã ghi nhận một số tiến triển song chưa mang lại kết quả cuối cùng.

Bà Liz Karan thuộc tổ chức phi chính phủ Pew Charity Trusts cho rằng dù thật đáng thất vọng khi không đạt được hiệp ước sau 2 tuần đàm phán vừa qua, song các bên đã có những tiến bộ nhất định. Bà kêu gọi một cuộc đàm phán mới vào cuối năm nay.

https://www.vietnamplus.vn/dam-phan-ve-hiep-uoc-bao-ve-da-dang-sinh-hoc-vung-bien-tiep-tuc-be-tac/813349.vnp

Trước khi diễn ra phiên họp này, nhiều ý kiến bày tỏ hy vọng đây là sẽ là vòng đàm phán cuối cùng và các bên sẽ đạt được đồng thuận về một văn bản cuối cùng về bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia, gọi tắt là BBNJ.

Một trong những trụ cột chính của BBNJ là mục tiêu thiết lập các vùng biển được bảo vệ với diện tích lên tới 30% diện tích đại dương của Trái Đất vào năm 2030.

Tuy nhiên, các nước đang bất đồng về quy trình thiết lập những vùng biển được bảo vệ này cũng như cách thức thực hiện quy định về đánh giá sự tác động về môi trường trước khi tiến hành hoạt động khai thác mới tại các vùng biển quốc tế.

Một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong văn bản là việc chia sẻ lợi nhuận có thể có từ việc khai thác các nguồn gene ở các vùng biển quốc tế, nơi các công ty dược phẩm, hóa chất và mỹ phẩm hy vọng sẽ tìm ra các loại thuốc, sản phẩm hoặc phương pháp chữa bệnh.

Việc nghiên cứu biển tốn kém phần lớn do các quốc gia giàu có tiến hành, song các quốc gia đang phát triển không muốn bị mất khoản lợi nhuận tiềm năng thu được từ các nguồn tài nguyên biển không thuộc về ai.

Vùng biển quốc tế bao phủ gần 50% bề mặt Trái Đất và hơn 60% diện tích đại dương, được tính từ ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia và không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào.

Điều này đồng nghĩa với việc không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ quản lý cũng như không có cơ chế quản lý toàn diện nào có thể bảo vệ những sinh vật sống tại vùng biển này.

Việc bảo vệ các vùng biển quốc tế từ lâu vẫn bị bỏ qua do mọi sự chú ý tập trung vào các vùng ven biển. Chỉ 1% vùng biển quốc tế được luật pháp bảo vệ./.