Tăng cường thực hiện chính sách pháp luật về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích

Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích được xem là một trong những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào sử dụng bền vững nguồn gen và phát triển sinh kế cho cộng đồng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn gen, thời gian qua, Việt Nam đã gia nhập các Điều ước quốc tế và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen. Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao và xếp vị trí thứ 16 trên thế giới. Đa dạng sinh học của Việt Nam thể hiện ở đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học nói chung và giá trị to lớn của nguồn tài nguyên di truyền nói riêng, trong những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư và triển khai nhiều hoạt động liên quan đến bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen.

Đối với công tác quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, từ sau khi Luật Đa dạng sinh học 2008 có hiệu lực, công tác quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Việt Nam đã chính thức gia nhập Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích vào năm 2014.

Đồng thời, khung pháp lý về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen và gần đây nhất là thông tư số 10/2020/TT-BTNMT ngày 29/9/2020 quy định về báo cáo tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; thông tư số 15/2019/TT-BTNMT ngày 11/9/2019 quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện nay, ở nước ta đã hình thành mạng lưới các cơ quan gồm một số đơn vị đầu mối và 68 đơn vị thuộc 6 Bộ/ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật. Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hàng năm và tăng đáng kể. Năm 2020 thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010.

Theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, tính đến năm 2020 đã đánh giá ban đầu 41.363 nguồn gen và đánh giá tiềm năng di truyền của 3.136 nguồn gen; chọn lọc 343 nguồn gen có tiềm năng nhân rộng, khả năng thị trường tốt được khai thác phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Trong số đó, có hơn 20 nguồn gen đã được nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật để nhân rộng và chế biến tạo sản phẩm, có nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đã chuyển sang khai thác và chia sẻ nguồn gen với 111 nguồn gen được phát triển thành sản phẩm thương mại hóa, 3.179 nguồn gen được chia sẻ phục vụ nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất.

Đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị định 59/2017/NĐ-CP, các bộ, ngành đã cấp 10 giấy phép tiếp cận nguồn gen, trong đó, Bộ TN&MT đã cấp 3 giấy phép tiếp cận nguồn gen vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại, 6 giấy phép không vì mục đích thương mại và ban hành hơn 70 quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ việc học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 2 giấy phép vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.

Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật, thể chế và chính sách về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, tuy nhiên, theo bà Tạ Thị Kiều Anh – Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, khung pháp luật về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích của Việt Nam hiện còn một số bất cập, hạn chế như thiếu các quy định cụ thể về tri thức truyền thống gắn với nguồn gen. Cùng với đó, cơ chế tiếp nhận và phân chia lợi ích thu được từ tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cho các bên liên quan chưa thực hiện được trên thực tế.

Nhằm tăng cường công tác quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại Việt Nam thời gian qua, theo TS Phạm Anh Cường - Viện Phát triển tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống chính sách về đa dạng sinh học và tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Trong đó, có chính sách nâng cao nhận thức, giáo dục và đào tạo; các chính sách góp phần sử dụng tri thức truyền thống vào việc bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, động viên, khen thưởng, công nhận các danh hiệu đối với những người lưu giữ nhiều giá trị tri thức truyền thống của người dân bản địa. Thực hiện các sáng kiến về chính sách và cơ chế khuyến khích thay đổi hành vi.

Về hệ thống pháp luật, cần tiếp tục củng cố và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Trong đó, cần làm rõ ràng và đầy đủ hơn định nghĩa về “nguồn gen”, “tiếp cận nguồn gen”, “sử dụng nguồn gen”; điều chỉnh, tối ưu hóa trình tự, thủ tục cấp phép tiếp cận nguồn gen; bổ sung cơ chế quản lý tri thức truyền thống và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương. Đặc biệt, cần xem xét ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính trong tiếp nhận và chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen; cơ chế tài chính cho việc bảo vệ và sử dụng tri thức truyền thống gắn với nguồn gen được sử dụng; bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với tri thức truyền thống nhằm bảo hộ các quyền kinh tế và quyền tinh thần của những người nắm giữ tri thức truyền thống.

Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học, nguồn gen và tri thức truyền thống; xem xét, ủy quyền thực hiện một số hoạt động quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích cho các cơ quan nghiên cứu có đủ năng lực. Thiết lập các điểm kiểm tra/kiểm soát là các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò, chức năng liên quan như các cơ quan hải quan, cơ quan cấp bằng sáng chế để theo dõi giám sát hiệu quả việc sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen.

https://monre.gov.vn/Pages/tang-cuong-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-tiep-can-nguon-gen-va-chia-se-loi-ich.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng