Các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 10/9/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2011-2015 có 15 chương trình trọng điểm cấp nhà nước, trong đó 10 chương trình thuộc lĩnh vực KH&CN (chương trình KC) và 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình thuộc lĩnh vực KH&CN đã tạo ra cho sản xuất 23 loại giống cây mới và 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ; tạo ra 208 công nghệ mới trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất, 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện.... Các đề tài, dự án cũng đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 sản phẩm, tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, đề tài còn xây dựng được 374 cơ sở dữ liệu, 27 phần mềm các loại. Một số cơ sở dữ liệu, bản đồ quy hoạch đã đóng góp thiết thực vào việc thiết kế, xây dựng các công trình biển và đề xuất các phương án sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất và nước.

Đặc biệt, trong lĩnh vực KH&CN, theo thống kê đã có 162 kết quả khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế và 208 kết quả khoa học được báo cáo đăng trong kỷ yếu các hội thảo khoa học quốc tế. Các chương trình có khoảng trên 1100 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học và gần 530 báo cáo khoa học được công bố trong các hội nghị khoa học chuyên ngành trong nước.

Các chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng cho các kết quả nghiên cứu làm rõ các luận cứ khoa học và có sức thuyết phục về đổi mới hệ thống chính trị, thực hành dân chủ và xây dựng Đảng cầm quyền; bổ sung các nhiệm vụ của sự phát triển văn hóa và con người, đồng thời đưa ra các quan điểm và giải các giải pháp kiến nghị mới về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại....

Ngoài ra, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các chương trình đã được biên soạn thành các sách chuyên khoa, các tài liệu giảng dạy và học tập tại các trường Đại học, Học viện Chính trị, Học viện quân sự.

Việc tổ chức triển khai các chương trình cũng đã huy động được một lực lượng khoa học rất lớn trong cả nước với sự tham gia của trên 5.300 cán bộ khoa học (trong đó khoảng 4.000 cán bộ có trình độ thạc sỹ trở lên) thuộc 1.200 cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Thiện Thành, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước cho biết: Hoạt động của các chương trình trọng điểm nằm trong xu thế đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ đã được Bộ KH&CN thực hiện từ nhiều năm trước. Một trong những khâu đổi mới đã được áp dụng là đẩy mạnh cơ chế “đặt hàng” các nhiệm vụ KH&CN, theo đó nguồn chủ yếu để xây dựng các đề tài, dự án cấp quốc gia phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và cam kết có địa chỉ ứng dụng kết quả của các bộ, ngành và địa phương.

Theo ông Thành, thành công của các chương trình có thể đánh giá chung về mức độ làm chủ công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới; mức độ ứng dụng các kết quả vào phục vụ sản xuất và đời sống; đóng góp trong nâng cao tiềm lực KH&CN; hiệu quả kinh tế - xã hội của các nghiên cứu. Có thể kể đến thành công của kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, với nhiều ưu điểm so với kỹ thuật đang thực hiện tại các quốc gia tiên tiến, hay quy trình ghép khối thận – tụy từ người chết não - là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được các bác sĩ Việt Nam làm chủ; Quy trình phẫu thuật nội soi qua ngả tự nhiên điều trị ung thư đại tràng và trực tràng là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới được triển khai thành công tại Việt Nam; Công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với 02 đồng vị phóng xạ I131 và Y90 là một công nghệ rất mới trên thế giới mà không có nhiều phòng thí nghiệm thực hiện được.

Đặc biệt, chương trình có trên 50% các công nghệ và thiết bị tạo ra có tính năng kỹ thuật và chất lượng tương đương với khu vực. Tác động về mặt kinh tế - xã hội của các kết quả được tạo ra từ các đề tài, dự án trong chương trình có thể đã vượt rất nhiều so với nguồn kinh phí đã đầu tư, đặc biệt đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm mới, giải quyết các vấn đề khó khăn do sản xuất đặt ra. 

Chẳng hạn, từ Chương trình KC.06/11-15, đã nghiên cứu, chọn tạo được 8 giống lúa có năng suất cao, thơm, chất lượng tốt kháng được một số sâu bệnh hại chính. Các giống lúa này đã được trồng trên 100.000 ha sau khi kết thúc nghiên cứu, với năng suất tăng so với đối chứng 0,5 tấn/ha, giúp người dân thu thêm được 50.000 tấn thóc tương đương với 325 tỷ đồng (giá thóc trung bình cả nước là 6.500 đồng/kg). 

Hay, từ Chương trình KC.10/11-15, đã sản xuất được vắc-xin Rota sống giảm độc lực. Vắc-xin được sản xuất theo quy trình nghiên cứu có trình độ khoa học công nghệ tương đương quốc tế, nhưng giá thành giảm khoảng 1/3 ngoại nhập (vắc-xin nhập có giá 750.000 đồng/liều, vắc-xin Việt Nam chỉ có giá 250.000 đồng/liều). Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ tính cho số vắc-xin thực tế đã sử dụng cho hơn 100.000 trẻ ở 60 tỉnh thành đã giúp giảm chi phí trực tiếp cho việc phải mua vắc-xin ngoại khoảng 50 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 16 tỷ đồng do giảm đến 800.000 lượt thăm khám của trẻ, tiết kiệm khoảng 30 tỷ đồng do giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota. Đặc biệt, giảm 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi…

Đánh giá cao kết quả mà các chương trình, các nhà khoa học đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, đây thực sự là những con số biết nói minh chứng cho những đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước, Chính phủ cũng đã ghi nhận những đóng góp này thông qua Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN với những công trình, cụm công trình tiêu biểu. Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn tới, trước những khó khăn, trăn trở, kiến nghị của các nhà khoa học, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành tháo gỡ để KH&CN tiếp tục đóng góp vào đổi mới sáng tạo và công cuộc phát triển chung của đất nước.

Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ