Họp hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài cấp Bộ: "Văn hóa kinh tế làng nghề, thách thức và giải pháp trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"

Chiều ngày 04/01/2013, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đã họp đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp Bộ: Văn hóa kinh tế làng nghề, thách thức và giải pháp trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa do PGS.TS Đinh Thị Vân Chi làm chủ nhiệm đề tài.

Đây là nhiệm vụ nghiên cứu do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện, đề tài triển khai nghiên cứu trong 24 tháng từ tháng 01/2011 đến tháng 12/2012.

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã chỉ ra việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, một trong những nhiệm vụ đó là bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tuy nhiên trong bối cảnh đất nước phát triển đi vào hội nhập sâu và cạnh tranh toàn cầu rất nhiều thách thức đặt ra với những làng nghề, đặc biệt là làng truyền thống, việc nghiên cứu đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát triển là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhằm hiện thực hóa đường lối của Đảng.

Nhóm tác giả đã tổ chức triển khai và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu nghiêm túc và đúng tiến độ. Song song với việc phân tích đánh giá các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với làng nghề, việc điều tra, phỏng vấn sâu đối với 07 làng nghề truyền thống đã khái quát được lịch sử phát triển, thực trạng và nhu cầu phát triển.

Đề tài đã phân tích tương đối đầy đủ về làng nghề, văn hóa làng nghề, sự phát triển bền vững của làng nghề, những tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đối với văn hóa làng nghề. Những thách thức đặt ra đối với sự tồn tại và phát triển làng nghề truyền thống dưới góc độ ứng xử với thiên nhiên, môi trường, tài nguyên thiên nhiên; ứng xử của con người đối với nghề nghiệp, thách thức về thị trường tiêu thụ…

Trên cơ sở đó đề tài cũng đưa ra 03 nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa kinh tế làng nghề. Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua kết quả nghiên cứu và đề nghị nghiệm thu cấp Bộ. Để công trình có giá trị khoa học và thực tiễn cao các thành viên Hội đồng đề gnhij nhóm tác giả bổ sung một số giải pháp mang tính chất liên ngành trên cả góc độ lý luận và thực tiễn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước hoạch định những chính sách phù hợp với đặc điểm của làng nghề truyền thống. Đơn vị chủ trì và Chủ nhiệm đề tài đã  tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu. Công trình nghiên cứu sẽ được bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện theo đúng quy định.

Nguyễn Thị Phương Loan