Nhiều hành động vì đa dạng sinh học và hệ sinh thái Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, trong đó hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật chỉ có ở Việt Nam.

Chiều 22/9, nguồn tin từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết Từ ngày 4-6/10/2023, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Đối thoại ba bên trong khuôn khổ Quỹ Giải pháp về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (Quỹ giải pháp BES) năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy hành động vì đa dạng sinh học và hệ sinh thái.”. Đây là sự kiện quy tụ nhiều đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, đại diện cộng đồng và các nhà hoạt động trong ngành bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và các quốc gia như: Cameroon, Colombia, Ethiopia, Kazakhstan, Kenya... và được coi như bước đệm nhằm thúc đẩy các hoạt động trao đổi hợp tác nhằm nâng cao tính bền vững về mặt thể chế và kinh tế của các sáng kiến được Quỹ Giải pháp BES hỗ trợ.

Theo đánh giá của UNDP, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái khác nhau. Trong đó, hơn 100 loài chim và hơn 10% các loài thực vật chỉ có ở Việt Nam; việc đánh giá hệ sinh thái quốc gia, Mạng lưới đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net) đã giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về các hệ sinh thái của mình, từ đó xem xét các phương án quản lý và bảo tồn.

Hội nghị lần này cũng đánh giá những thành tựu ban đầu của các quốc gia được Quỹ Giải pháp BES hỗ trợ; trong đó nêu bật các chính sách, nghiên cứu hoặc các hành động thực tiễn mà Quỹ Giải pháp BES đã thúc đẩy theo hướng có tính hợp tác, có thể nhân rộng, đóng góp cho các ưu tiên của quốc gia cũng như các cam kết toàn cầu../.

Phùng Tiến