Doanh nghiệp du lịch lại gồng mình chống dịch

Chưa đầy 2 tháng sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, Covid-19 lại phát tác và cũng như lần trước, các công ty trong ngành du lịch là đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên.

Hủy tour vì dịch

Anh Minh Kha (28 tuổi), nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết, anh vừa hủy chuyến du lịch Đà Nẵng sau khi thông tin dịch bệnh bùng phát ở thành phố này. Kế hoạch tham quan bị gác lại, thay vào đó, anh đang làm việc với phía hàng không, khách sạn để hoàn lại tiền.

“Chắc phải đợi dịch tạm lắng mới biết nên đi đâu”, anh Kha nói khi được hỏi về chuyến du lịch tiếp theo.

Minh Kha không phải là trường hợp duy nhất ứng xử như vậy. Ước tính sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM dựa trên báo cáo của 11 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trên địa bàn cho biết, đã có hơn 30.000 khách hàng huỷ tour vào ngày 26 và 27/7, dù trước đó 1 ngày không doanh nghiệp nào thông báo hủy.

Dẫn đầu là Vietravel với hơn 20.000 khách hàng, kế đến là Lữ hành Saigontourist với hơn 10.000 khách hàng. Các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng như BenThanh Tourist, Lữ hành Fidi… cũng sơ sơ hơn 5.000 khách hàng.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, tâm lý lo sợ dịch bệnh của khách hàng khiến các tour du lịch ở những địa phương khác như Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang… cũng bị vạ lây. Trong khi, mùa hè là mùa cao điểm du lịch chỉ còn khoảng 1 tháng.

Theo đánh giá của Sở Du lịch TP.HCM, đợt dịch bùng trở lại lần này tác động tới các doanh nghiệp lữ hành rất lớn vì hầu hết doanh nghiệp chỉ vừa quay lại hoạt động, chưa có doanh thu sau thời gian thu hẹp hoạt động vì dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lo ngại, sẽ có nhiều doanh nghiệp khó gượng dậy sau đợt dịch thứ hai này.

Đàm phán để tìm tiếng nói chung

Cho đến thời điểm hiện tại, các sở, ban, ngành vẫn tiếp tục rà soát tình hình để đề xuất chính sách hỗ trợ, đề xuất các chương trình kích cầu du lịch ngay sau dịch bệnh. Nhiệm vụ trước mắt của các công ty du lịch, theo ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty Lửa Việt, là đàm phán với khách hàng và đối tác để tìm tiếng nói chung khi khách hàng đòi huỷ cả những nơi chưa có dịch bệnh.

Trên thực tế, việc hủy tour đối với các vùng chưa công bố dịch bệnh thì công ty du lịch không thể hoàn tiền được cho khách, vì đơn giản họ không có lý do gì để yêu cầu hoàn tiền từ đối tác là đơn vị lưu trú, nhà hàng, hãng hàng không.

Phần lớn khách hàng đều đồng ý dời ngày đi, với mức chi phí tối thiểu và hợp lý nhất. Số không đồng ý mức phí với lý do họ chưa sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.

“Có những chi phí đã phải chi trước dịch vụ, ví dụ chuẩn bị nguyên liệu, nước uống cho chuyến đi ngày mai chẳng hạn. Nếu hủy tối hôm trước thì đối tác không thể trở tay kịp”, ông Duy nói.

May mắn, theo ông Duy, các đối tác cũng thông cảm với tình hình hiện tại và hợp tác với Công ty Lửa Việt cùng giải quyết các vấn đề của khách hàng.

Ông Nguyễn Minh Bảo, đồng sáng lập Tugo cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần giữ nhịp độ truyền thông về dịch bệnh như hiện nay, vừa khoanh vùng những địa phương dịch bệnh, vừa trấn an khách hàng khi đi du lịch. Cùng với đó, có biện pháp chế tài thích đáng với những kẻ tung tin giả, thất thiệt.

Điều cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay, theo ông Bảo là làm sao để khách hàng bảo lưu, dời ngày đi, không yêu cầu hoàn tiền vì vốn lưu động là vấn đề rất đau đầu đối với các công ty du lịch.

Niềm hy vọng của ngành du lịch giờ đây đang được đổ dồn lên quý IV năm nay và đầu năm 2021. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, đây là thời điểm ngành du lịch sẽ phục hồi.

Nguồn: Baodautu.vn