Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo tham vấn dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 19-3, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo tham vấn dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đây là một nội dung của việc triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa carbon thấp chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt từ cuối năm 2023.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ dự án) sẽ triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa carbon thấp ở 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre).

 

Dự án gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, carbon thấp; ước tính 350 triệu USD. Hợp phần này bao gồm các lĩnh vực về nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, cải thiện hệ thống giao thông, hỗ trợ cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, hỗ trợ các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử.

Hợp phần 2 là phát triển và chuyển giao kỹ thuật, ước tính 20 triệu USD; gồm các lĩnh vực về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các giống hạt mới thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp; các gói công nghệ cải tiến; khuyến nông điện tử, chứng nhận hạt giống; tổ chức lại sản xuất của nông dân; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; nâng cao nhận thức, chiến lược truyền thông và phổ biến thông tin.

Hợp phần 3 là quản lý dự án, ước tính 5 triệu USD; cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá dự án.

Mục tiêu phát triển dự án nhằm thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao tại các tỉnh vùng ĐBSCL thông qua các chỉ số như: năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon.

Dự kiến, giai đoạn chuẩn bị dự án từ năm 2024 đến năm 2025. Sau đó dự án chính thức triển khai từ năm 2026-2031.

Triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Bộ NN&PTNT đã chọn 5 tỉnh, thành với 5 loại đất khác nhau để triển khai 5 mô hình điểm gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh.

Đề án cũng đưa ra bốn chương trình nhiệm vụ ưu tiên gồm chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia đề án; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và chương trình thí điểm chi trả carbon.

Phùng Tiến (Tổng hợp tin từ báo TNMT)