Cần Song hành Phát triển sinh kế với bảo vệ rừng ngập mặn

Một bộ phận cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long dựa vào các vùng đất ngập nước để phát triển sinh kế. Cần song hành giữa việc khai thác nguồn lợi từ rừng ngập mặn với bảo vệ rừng trước hoạt hoạt động sinh kế của người dân vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long

Mới đây, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã phối hợp thành lập nhóm nghiên cứu về hoạt động sinh kế của người dân vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này. 

Theo TS. Phạm Hồng Tính – Đại học TN&MT Hà Nội – đại diện nhóm nghiên cứu, rừng ngập mặn (RNM) có vai trò rất lớn đối với môi trường, cuộc sống và sinh kế của người dân ven biển trong việc nuôi dưỡng, cung cấp, điều hoà hệ sinh thái,… được phân bố ở hầu hết vùng đất ngập nước ven biển nhiệt đới, cận nhiệt đới tại Việt Nam với tổng diện tích 168 nghìn ha, tập trung tại các vùng Tây Nam Bộ (50,2%); Đông Nam Bộ (33,7%); Quảng Ninh (9,8%); Đồng bằng sông Hồng (5,3%) và ven biển miền Trung (1,0%).

Nhóm nghiên cứu đã đã thực hiện đánh giá, khảo sát, nghiên cứu tình hình phát triển sinh kế phụ thuộc vào RNM của người dân trên địa bàn 4 xã bao gồm: Thuận Hoà (Kiên Giang); Khánh Hải (Cà Mau); Thạnh Phong (Bến Tre) và Vĩnh Hậu (Bạc Liêu). Thông qua nội dung khảo sát, ghi nhận kết quả đặc điểm kinh tế các hộ có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12,2% và cận nghèo chiếm 7,5% trên tổng số hộ đã điều tra.

Xét riêng nhóm hộ nghèo chỉ xuất hiện ở hộ người Kinh là 37/54 hộ và người Khmer là 17/54 hộ. Xét theo xã, xã Vĩnh Hậu chiếm tỷ lệ hộ nghèo cao nhất so với các xã đã điều tra là 49/54 hộ (90,7%), chủ yếu bao gồm các hoạt động sinh kế chủ yếu như: Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), đánh bắt trong RNM, đánh bắt ở biển, trồng trọt, thương mại dịch vụ, làm thuê và những nghề khác.

Tuy nhiên hiện nay, diện tích RNM tại các địa phương đang có dấu hiệu suy giảm và suy thoái nghiêm trọng, bởi sức ép của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu (BĐKH), chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ô nhiễm nguồn nước và một vài nguyên nhân khác... Do đó, việc bảo vệ RNM tránh khỏi tình trạng suy giảm và suy thoái từ các yếu tố tự nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội là điều cần thiết được chú trọng, cũng như đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương mà ít gây tác động đến RNM. Như vậy, việc đánh bắt trong RNM và đánh bắt ở biển, số hộ dân tham gia ở xã Vĩnh Hậu đạt tỷ lệ cao nhất vì đa số là các hộ nghèo, ít đất cho hoạt động sản xuất, sinh kế của các hộ dựa vào tài nguyên rừng là chính.

Từ những nhận định trên, nghiên cứu đánh giá nhận thức của người dân đối với vai trò của RNM, đa số người dân tại 4 xã đều đánh giá cao vai trò của RNM đối với môi trường và ghi nhận đây là nơi cung cấp nguồn sinh kế cho cộng đồng. Kết quả cho thấy có 95% tổng số hộ khảo sát đều hiểu được vai trò của RNM có tác dụng làm giảm nhẹ tác động của gió 

bão. Trong đó 80% tổng số hộ đều biết đến vai trò của rừng là môi trường sống cho động, thực vật; 75% cho rằng RNM cũng là nơi bãi đẻ cho các loại thuỷ sản. Chỉ có 24% tổng số hộ hiểu được RNM là nơi dự trữ carbon.

Tuy nhiên, do các nguyên nhân gây mất rừng tự nhiên bởi bão, thuỷ triều cực đoan, sạt lở bờ biển, khai thác gỗ trái phép và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như NTTS công nghiệp,… nên các hoạt động sinh kế của người dân tại đây cũng gặp nhiều tác động tiêu cực.

Nghiên cứu đã chỉ ra có 444 hộ cho rằng, RNM bị suy thoái đã và sẽ làm giảm thu nhập của gia đình, chiếm 83,6% tổng số hộ điều tra. Trong đó, 96% hộ dân xã Vĩnh Hậu có nghề nghiệp chính là đánh bắt các loại thuỷ hải sản trong rừng và các bãi bồi ven biển; tương tự với xã Thuận Hoà và Thạnh Phong với tỷ lệ là 80 – 84%,… Điều này phản ánh thực tế, thu nhập chính của người dân tại các khu vực này đều bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp khi RNM bị suy giảm, bao gồm sự suy giảm các nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên do các hoạt động khai thác quá mức và những thay đổi liên quan đến các yếu tố tự nhiên, sự thay đổi không theo quy luật của khí hậu nói chung. Các ảnh hưởng gián tiếp bao gồm suy giảm vai trò môi trường của rừng, khả năng tạo ra và duy trì các ảnh hưởng tích cực như khả năng chắn gió, chắn sóng làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất khác và gián tiếp làm giảm thu nhập.

Trước tác động của các hoạt động sinh kế đến RNM ở ĐBSCL, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất để nâng cao sinh kế cho người dân vùng ĐBSCL, giảm thiểu ảnh hưởng đến diện tích RNM như cần có các giải pháp kinh tế - xã hội gồm thành lập các hợp tác xã thuỷ sản, chính sách tiếp cận tín dụng ưu đãi cho các hoạt động sản xuất, nhằm tạo sinh kế bền vững; thiết lập các quy định liên quan đến khai thác bền vững nguồn lợi thuỷ sản đối với RNM tại địa phương; hỗ trợ cộng đồng đa dạng nguồn thu nhập góp phần giảm áp lực đến tài nguyên rừng và làm bờ kè chắn sóng nhằm ngăn thuỷ triều dâng để phù sa bồi đắp và trồng lại rừng.