Phương pháp thu gom, xử lý rác thải hiệu quả của người Đức

Đức được xem là một trong những quốc gia đi đầu trong thu gom, phân loại và tái chế rác thải.

Việc phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định đã trở thành quy tắc ứng xử văn minh của người Đức. Bà Bettina Aust – một chính trị gia đảng Xanh của Đức và Chủ tịch Hội đồng thành phố Kiel – chia sẻ: “Đây là bước đi đầu tiên trên hành trình đúng đắn này. Nhưng chúng ta cần phải nghĩ xa hơn. Chúng ta không thể dậm chân tại chỗ”.

The Guardian nhận định, vấn đề rác thải ở Đức tương đối phức tạp. Dù là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực tái chế nhưng Đức cũng là một trong những nơi có nhiều rác thải nhất châu Âu. Năm 2021, trung bình một người Đức tạo ra 646kg rác thải, trong khi trung bình một công dân EU tạo ra 530kg. Chỉ có 4 quốc gia EU khác là Áo, Luxembourg, Đan Mạch và Bỉ có mức độ rác thải cao hơn Đức.

Theo báo New York Times, người Đức thực sự coi trọng việc phân loại rác và coi đó là một phần nghĩa vụ của bản thân nhằm bảo vệ môi trường. Ở đất nước này, chất thải được phân loại theo màu, kể cả loại có thể tái chế và cho vào các thùng rác riêng.

Cụ thể, các thùng rác màu vàng dành để chứa nhựa và bao bì, các thùng rác màu xanh dương chứa giấy và bìa các-tông. Thủy tinh có thể cho vào 2 thùng rác màu khác nhau, gồm màu trắng dành cho các sản phẩm sáng trong và màu xanh lá cho thủy tinh màu. Các thùng rác màu nâu dùng để thu gom chất thải hữu cơ như thức ăn dư thừa.

Theo thời gian, người Đức đã quen với các hoạt động phân loại rác. Việc phân loại rác cũng đã trở thành một yêu cầu có tính bắt buộc ở Đức từ năm 2015. Trong đó, những người thu gom rác có quyền từ chối thu gom những thùng rác không được phân loại đúng cách. Họ có thể để lại ghi chú đối với những loại rác thải không được phân loại phù hợp.

Đối với người Đức, họ gần như cũng không bao giờ phàn nàn về vấn đề phân loại rác. Giấy rác sẽ được bỏ vào thùng màu xanh lam, thực phẩm vào thùng xanh lá cây, lon kim loại và bao bì nhựa bỏ vào thùng màu vàng và rác thải hỗn hợp bỏ vào thùng đen. Rác thải điện tử sẽ được đưa tới các điểm thu gom riêng biệt khác. Chai lọ tthủy tinh được bỏ vào các thùng rác khác có biển hiệu riêng.

Đức đã triển khai Hệ thống hoàn tiền cọc (DRS) đối với người mua hàng. Theo đó, các sản phẩm đựng trong chai, lọ nhựa hoặc thủy tinh có thể tái chế sẽ được dán nhãn tương ứng. Khi mua chúng, người tiêu dùng sẽ mất một khoản tiền cọc khoảng 0,08 - 0,25 Euro và được hoàn lại khi trả vỏ ở các cửa hàng, siêu thị hoặc cho vào máy thu gom tự động.

DRS đã chứng minh rất hiệu quả ở Đức, nơi đạt tỷ lệ hoàn cọc tới 98,4%, khiến chương trình trở thành một giải pháp cắt giảm rác thải tích cực. Nối tiếp thành công này, Chính phủ Đức gần đây đã sửa đổi kế hoạch chống việc sản sinh chất thải bằng quy định người tiêu dùng cũng phải đặt cọc cho bao bì khi mua các sản phẩm bơ sữa từ năm 2024.

Ngoài DRS, Đức đã thông qua 3 chính sách lớn nhằm thay đổi hệ thống quản lý chất thải tốt hơn, dựa trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm trả tiền". Trong trường hợp này, các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp tư nhân cũng có trách nhiệm loại bỏ lãng phí và bù đắp chi phí.

Với pháp lệnh bao bì năm 1991 và đạo luật bao bì thay thế pháp lệnh năm 2019, Đức là quốc gia đầu tiên ràng buộc các nhà sản xuất về vấn đề bao bì. Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ tái chế, minh bạch trong cạnh tranh, các công ty còn phải thường xuyên báo cáo cơ quan đăng ký bao bì trung ương về khối lượng và nguyên liệu đóng gói sản p Để sử dụng hệ thống ghi nhãn, các nhà sản xuất phải trả một khoản phí cho công ty DSG chuyên thu gom bao bì tái chế sử dụng tại các hộ gia đình. Báo chí Đức ước tính, hệ thống đã giúp giảm 1 triệu tấn rác mỗi năm. Chiến lược này được coi là tiền thân của Chương trình Chấm xanh châu Âu, đã được hơn 130.000 công ty ở 23 nước trong châu lục triển khai với kết quả tích cực.

Đạo luật quản lý chất thải và chu trình khép kín vào năm 1996 đã mở rộng toàn diện các chính sách trên, đồng thời yêu cầu bất kỳ ai sản xuất, tiếp thị và tiêu thụ hàng hóa phải có trách nhiệm hạn chế xả thải, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải phát sinh tương thích với môi trường.

Dù đã thành công trong việc phân loại rác nhưng người Đức vẫn phải vật lộn để tái chế tất cả số rác đó. Lượng rác thải nhựa ở Đức đã tăng 64% trong hai thập kỷ qua nhưng tỷ lệ tái chế lại tăng không đáng kể. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, hệ thống phân loại rác của Đức cho thấy các nỗ lực trên khắp nước này hướng tới bảo vệ hành tinh khỏi các chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, các quy định về phân loại rác của Đức cũng có thể trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác áp dụng.