Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Phát biểu tại Hội thảo “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “thành phố sáng tạo” của Thành Phố Hồ Chí Minh”, TS. Nguyễn Thị Kim Liên, Học viện Chính trị Khu vực II, đưa ra một số tiềm năng để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển công nghiệp văn hóa.

 

Theo bà Liên, trước hết Thành phố có nhiều giá trị văn hóa như: Hệ thống di tích được xếp hạng, công trình kiến trúc văn hóa: Địa đạo Củ Chi; Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố; Nhà thờ Đức Bà, Ủy ban nhân dân Thành phố; Hội trường Thống Nhất; hệ thống đền chùa, miếu mạo. Ẩm thực Sài Gòn; Hệ thống bảo tàng: Bảo tàng chứng tích chiến tranh; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Bảo tàng Mỹ Thuật...; Hệ thống nhà triển lãm trưng bày, hệ thống các tượng đài, công trình văn hóa mang đậm bản sắc Thành phố Hồ Chí Minh...; Các khu giải trí, công viên chủ đề: Công viên văn hóa Đầm Sen; Công viên văn hóa Suối Tiên; Công viên văn hóa lịch sử dân tộc...;

                Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hai hãng phim cổ phần hóa là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng và Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu. Các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh phần lớn là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 819 doanh nghiệp. Về cơ sở sản xuất phim, Thành phố có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Thành phố Hồ Chí Minh có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó có 05 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam. Đây cũng là địa phương chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất nước với khoảng 40%. Hệ thống phim trường, phương tiện kỹ thuật của nhà nước và tư nhân tương đối đáp ứng điều kiện làm phim. Nguồn phim nhập khẩu phong phú, đa dạng, khán giả thành phố có thể nhanh chóng tiếp cận nhiều bộ phim mới, nổi tiếng của điện ảnh thế giới.

 

Nguồn nhân lực trong hoạt động sáng tạo/sản xuất là yếu tố quan trọng của công nghiệp văn hóa. Hiện nay số lao động hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa rất lớn. Tính đến năm 2019, tổng nhân lực tham gia cho 8 ngành CNVH là trên 97.000 người, trong đó các ngành quảng cáo, triển lãm, du lịch văn hóa chiếm tỉ lệ đông nhất. Số liệu thống kê năm 2020 cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa; giá trị sản xuất các ngành CNVH từ năm 2010-2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh là trên 35.000 tỉ đồng... Đội ngũ người làm văn hóa về cơ bản được đào tạo và tiếp cận với các nền văn hóa tiên tiến, vì vậy sản phẩm văn hóa rất đa dạng, chất lượng ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhiều tầng lớp khán giả. Thực tế hiện nay cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố đã thu hút được nhiều nhà sản xuất, các doanh nhân, nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước tham gia vào phát triển. Đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh có chuyên môn cao, đã có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, đạo diễn, biên đạo, họa sĩ, … được đào tạo và tăng cường về công tác ở các bảo tàng, nhà hát, trung tâm văn hóa các cấp. Thành phố cũng tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa trên địa bàn.

Chỉ tính riêng về nguồn nhân lực của thị trường nghệ thuật biểu diễn, có thể thấy Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung lượng ca sĩ, nhạc sĩ, nhóm – ban nhạc đông đảo nhất so với cả nước. Bên cạnh đó, thị trường này còn thu hút nhiều ca sĩ, nhóm – ban nhạc trong nước, ca sĩ hải ngoại và đặc biệt là các ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng trên thế giới. Lực lượng diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch, nhà quản lý trong lĩnh vực kịch nói và múa cũng khá đông đảo và chuyên nghiệp.

Sự phát triển mạnh lực lượng nhạc sĩ trẻ ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng là một biểu hiện của công nghiệp văn hóa của Thành phố. Số lượng nhạc sĩ tập trung khá đông với khoảng trên 300 người1. Các nhạc sĩ trẻ khá năng động, sản phẩm âm nhạc của họ phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Các ca khúc của các nhạc sĩ trẻ, có tài kéo theo các giọng hát trẻ giàu nét sáng tạo, cá tính.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 7 đơn vị nghệ thuật công lập, 1 trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, khoảng 100 đơn vị ngoài công lập hoạt động kinh doanh lĩnh vực âm nhạc, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên tổ chức chương trình biểu diễn ca nhạc mang tính chất chuyên nghiệp tại các tụ điểm ca nhạc, sân khấu, cơ sở lưu trú, du lịch, nhà hàng, phòng trà ca nhạc.

Hiện Thành phố có khoảng 50 đoàn múa với hàng trăm diễn viên; trong đó có khoảng 46 vũ đoàn tư nhân và 04 đoàn thuộc quốc doanh là: Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Thành phố, Nhà hát Bông Sen, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 và Trường Múa Thành phố. Điều đó cho thấy việc xã hội hóa nghệ thuật múa đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần làm cho thị trường múa tại Thành phố phát triển sôi nổi hơn. Tuy nhiên, tính cạnh tranh chỉ diễn ra mạnh mẽ đối với dòng múa không chính thống mà hoạt động của các vũ đoàn đang là hiện tượng chiếm lĩnh thị trường múa.

b) Nguồn nhân lực tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp văn hóa

Về khán giả, với tư cách khách hàng của ngành công nghiệp văn hóa, cũng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho Thành phố. Dân số Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 10 triệu người. Dân số đông và dân số trẻ đây là một thời cơ, là tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Nhìn chung khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng và thường xuyên;

Đối với thực trạng phân khúc thị trường của lĩnh vực Múa, loại hình Múa rối nước đang phát triển khá mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng công nghiệp. Các nhà hát múa rối đã biết chọn thị trường mục tiêu để khai thác và phục vụ khán giả. Tiêu biểu là Nhà hát múa rối Rồng Vàng do ông Huỳnh Anh Tuấn làm giám đốc. Nếu phân tích ở góc độ phân khúc thị trường của Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng thì Nhà hát này đã chọn đúng thị trường mục tiêu chính là đối tượng khán giả khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, Múa rối còn nhắm vào đối tượng khán giả là các em thiếu nhi, học sinh.

Tiềm năng về ứng dụng công nghệ số các ngành công nghiệp văn hóa

Trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, ứng dụng công nghệ số đã và đang được một số tổ chức và doanh nghiệp quan tâm. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ lớn của cả nước. Thời gian qua nhiều tiến bộ khoa học – công nghệ đã được nhiều ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố quan tâm ứng dụng thành công như lĩnh vực điện ảnh với phim 3D, dàn âm thanh, ánh sáng trong nghệ thuật biểu diễn, hay các trang mạng trong lĩnh vực báo chí, xuất bản… Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thể khai thác hết về những tiềm năng, lợi thế này để phát triển công nghiệp văn hóa. Các hoạt động ứng dụng công nghệ số hiện vẫn đang dừng ở việc nghiên cứu hoặc ứng dụng thí điểm chứ chưa thực sự trở thành xu hướng phổ biến và được áp dụng phổ biến ở các lĩnh vực, các quy trình của ngành công nghiệp văn hóa.

Kim dung