Các nước lưu vực sông Mekong đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia, tác động của BĐKH không chỉ thay đổi dòng chảy, chất lượng và số lượng nước Sông Mekong, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ngành nuôi trồng thủy sản.

Ngày 5/10, Uỷ hội Sông Mekong Quốc tế đã tổ chức Diễn đàn các bên liên quan khu vực MRC (RFS) lần thứ 13 tại thành phố Luang Prabang (Bắc Lào). Tham dự Diễn đàn là các quan chức chính phủ của các quốc gia thành viên MRC và các cơ quan liên quan đến công tác năng lượng, môi trường, thủy sản, thủy lợi và các hoạt động phát triển khác liên quan đến nước. Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham dự của các đối tác đối thoại của MRC là Trung Quốc và Myanmar, khu vực tư nhân bao gồm các nhà phát triển đập thủy điện và những nhà quản lý, phát triển hoặc đầu tư thủy điện theo các dự án đập dọc theo dòng chính Sông Mekong và các dòng nhánh cũng như các đối tác phát triển khác của MRC.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe báo cáo hiện trạng lưu vực sông Mekong năm 2023 của Ủy hội sông Mekong quốc tế cho thấy chế độ dòng chảy của sông Mekong đã thay đổi, cao hơn mức trung bình trong mùa khô và thấp hơn mức trung bình trong mùa mưa. Dòng chảy thấp trong mùa mưa cũng đã làm giảm dòng chảy ngược ở Biển Hồ, góp phần làm tăng diện tích nhiễm mặn ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó, lượng trầm tích qua các trạm quan trắc của Ủy hội cũng giảm đáng kể góp phần gây mất ổn định bờ sông và xói mòn bờ biển.

Giám đốc Điều hành Ủy hội sông Mekong quốc tế nhấn mạnh chế độ dòng chảy của sông Mekong không còn tự nhiên. Cụ thể là dòng chảy mùa khô cao hơn mức trung bình và trong mùa mưa dòng chảy lại thấp hơn. Điều này đem lại cả những tích cực và tiềm ẩn những tiêu cực.

Ủy hội cùng với các quốc gia thành viên và Trung Quốc đang nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân và lý do của sự thay đổi để xác định các biện pháp thích ứng với những thay đổi này.

Theo các chuyên gia, không chỉ thay đổi dòng chảy, chất lượng và số lượng nước sông Mekong chảy về hạ nguồn cũng đã giảm, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ngành nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Để giải quyết những thách thức kể trên, Ủy ban Sông Mekong quốc tế luôn khuyến khích các dự án chung và đồng quản lý các vấn đề liên quan.

Phùng Tiến