Hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu

Việt nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh.

Để triển khai thực hiện như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rõ về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ cần phải chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết cho thấy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai ở nước ta. Các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết đã được nhanh chóng thể chế hóa trong quá trình xây dựng và ban hành các Luật và văn bản dưới luật. Hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu đã được nâng lên một tầm mới và có nhiều điểm sáng được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đang đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi mỗi quốc gia, doanh nghiệp và người dân đều phải quan tâm như các cơ chế mới về tiêu chuẩn kỹ thuật mới được đề ra và các nguồn lực phối hợp. Điều này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa về thể chế, chính sách pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới.

Theo các nghiên cứu và thực tiễn về ứng phó biến đổi khí trong nước và quốc tế, các quan điểm và giải pháp đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới cần như xác định rõ thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, được ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.

Các chính sách về biến đổi khí hậu cần xác định ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.

  Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội.

  Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền./.

Phùng Tiến