COP28 thúc đẩy vai trò chính quyền địa phương trong việc ngăn ngừa thảm họa sinh thái

Hội nghị khí hậu cấp địa phương sẽ diễn ra trong khuôn khổ COP28, nhằm ghi nhận vai trò của các thành phố và chính quyền địa phương trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH.

Ngày 19/9 vừa qua, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Chủ tịch Sultan Ahmed Al Jaber thông báo một hội nghị khí hậu cấp địa phương sẽ diễn ra trong khuôn khổ COP28, nhằm ghi nhận vai trò của các thành phố và chính quyền địa phương trong việc ngăn ngừa thảm họa sinh thái.

Tham gia chủ tọa hội nghị còn có Đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trogn bài phát biểu đã nhấn mạnh các thành phố sẽ là nơi quyết định phần lớn thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; việc điều động và trang bị cho các chính quyền địa phương năng lực và tài chính để đẩy nhanh hành động khí hậu đóng vai trò quan trọng nếu muốn giảm lượng khí thải.

Tâm điểm của sự chú ý là chính sách cam kết của các chính phủ trong cuộc chiến chống thảm họa khí hậu và giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2100. Tuy nhiên, theo báo cáo do liên minh các thành phố C40 (mạng lưới có sự tham gia của gần 100 thị trưởng), 75% trong số các thành phố của C40 nhanh hơn các nước sở tại trong việc giảm khí thải trên đầu người, qua đó cho thấy tầm ảnh hưởng của các chính sách và sáng kiến do các thành phố dẫn dắt.

Theo Ông Sultan Ahmed Al Jaber, với sự tham dự của hàng trăm lãnh đạo địa phương ở COP28, sẽ củng cố các quan hệ đối tác mới, nhiều cấp nhằm đảm bảo tiếng nói của các địa phương được lắng nghe trong đàm phán khí hậu cấp quốc tế, giúp đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, điều chỉnh tài chính khí hậu, tập trung vào người dân, sinh kế.

Theo Ban tổ chức hội nghị COP28, đến năm 2050, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sống ở các thành phố, do đó cần tăng cường nỗ lực giúp các chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với thách thức ngày càng tăng của thảm họa khí hậu.

Trước đó, lãnh đạo các địa phương đã lần đầu tiên nhóm họp không chính thức bên lề COP21 năm 2015, thời điểm Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được thông qua./.

Phùng Tiến