Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn

Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Công tác Xã hội Hàm Long xây dựng thí điểm mô hình quản lý chất thải rắn áp dụng phương pháp phân loại rác thải tại nguồn, tái sử dụng và tái chế.

Chiều ngày 13/9 tại thành phố Huế đã diễn ra Hội thảo khởi động hợp phần Dự án Xây dựng Thí điểm Mô hình phân loại rác tại nguồn do Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Công tác Xã hội Hàm Long thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức.

Dự án được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua chương trình Thành phố Sạch-Đại dương Xanh, thực hiện tại hai phường Hương Long và Thủy Biều, thành phố Huế trong 18 tháng với 10 hoạt động trọng tâm và được phân làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung tìm hiểu tình hình quản lý chất thải rắn, nâng cao năng lực của hệ thống quản lý chất thải rắn, kinh tế tuần hoàn cho chính quyền địa phương và các bên liên quan. Giai đoạn 2, trung vào việc địa phương hóa thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn và tái chế rác.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, cho biết Chính phủ Hoa Kỳ đã khởi động dự án Bảo vệ Đại dương - dự án trọng điểm nhằm chống lại rác thải nhựa đại dương ở cấp độ toàn cầu từ năm 2022. Dự án được thực hiện thông qua 14 chương trình ở cấp quốc gia và khu vực ở trên toàn thế giới. Trong khuôn khổ dự án có chương trình Thành phố Sạch-Đại dương Xanh nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại địa phương, bao gồm việc hợp tác với các đối tác tại địa phương, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Công tác Xã hội Hàm Long để tận dụng các ý kiến chuyên gia trong tập trung giải quyết ô nhiễm tại nguồn.

Theo số liệu năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung, thành phố Huế phát sinh khoảng 407 tấn chất thải rắn đô thị mỗi ngày. Bên cạnh chất thải rắn được thu gom và xử lý, vẫn còn các chất thải khác được thải vào nguồn nước thông qua hệ thống xả thải, thoát nước trực tiếp hoặc từ rác thải trên đất liền, đường phố.

Mô hình phân loại và tái chế rác được địa phương hóa và thí điểm thành công sẽ giúp thành phố Huế có công cụ để duy trì thực hành phân loại rác tại nguồn thông qua việc cải tạo đất hữu cơ tại địa phương giữa các cộng đồng, góp phần xây dựng thành phố Huế ngày càng “xanh-sạch-sáng”./.

Phùng Tiến