Du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu

Thay đổi mùa du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu của nhóm tác giả Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Mới đây một nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, biến đổi khí hậu tác động mạnh đến du lịch ngoài trời vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nhóm tác giả Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thì điều kiện thời tiết và khí hậu không thuận lợi có thể gây nên ô nhiễm không khí, nhiệt độ tăng cao, mưa, gió lớn, bão lũ… điều này sẽ tác động xấu đến hoạt động du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nghiên cứu dựa trên phương pháp đánh giá thích nghi của con người với điều kiện khí hậu giữa 2 yếu tố: nhiệt độ và độ ẩm tuyệt đối (của Tổ chức Du lịch thế giới) và các kết quả từ trước trong việc phân loại khí hậu cho du lịch, nhằm đưa ra chỉ số khí hậu du lịch, bao gồm 7 yếu tố khí hậu, xây dựng tổ hợp các kiểu thời tiết đặc trưng trong ngày, cùng mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như đến các hoạt động du lịch qua 2 chỉ số khí hậu du lịch (CIT, TCI). Chỉ số khí hậu du lịch TCI (Tourism Climate Index) tính toán điều kiện khí hậu khiến du khách thoải mái khi tham gia hoạt động du lịch (đặc biệt là du lịch tham quan ngoài trời).

Kết quả chỉ số TCI cho thấy vào mùa mưa ở ĐBSCL từ tháng 5, chỉ số TCI khu vực ĐBSCL hầu hết đều ở mức thuận lợi cho hoạt động du lịch, chỉ số TCI ở mức từ 40-50. Riêng khu vực trạm Bến Tre và Cà Mau không tốt cho du lịch với chỉ số TCI là 36,6 và 38,0 do đó du khách khi đi du lịch vào thời điểm này sẽ cảm thấy không được thoải mái. Tháng 6 ở ĐBSCL hầu hết các vùng đều đạt phân cấp 4 thuận lợi cho hoạt động du lịch. Duy nhất còn 2 vùng Long An, Bạc Liêu với mức TCI chỉ là 38,6 và 39,0 không tốt cho hoạt động du lịch do ở tháng 6 thì lượng mưa quá lớn và số giờ nắng ít cộng với CID (chỉ số tiện nghi nhiệt ban ngày) và CIA (chỉ số tiện nghi nhiệt hàng ngày) rất thấp nên ở tháng 6 phân cấp ở Long An chỉ là không tốt cho hoạt động du lịch.

Tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10 du lịch ở ĐBSCL giữ ở mức phân cấp 4 với chỉ số khí hậu du lịch từ 40-50, hoàn toàn thuận lợi cho hoạt động du lịch. Mặc dù là mùa mưa nhưng trong những tháng này vẫn có số giờ nắng đạt mức ổn cho hoạt động du lịch ngoài trời. Tháng 11 là tháng cuối của mùa mưa sắp chuyển giao qua mùa khô nên du lịch vào tháng này ở ĐBSCL đang chuyển biến tốt dần, một số vùng như An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau ở mức phân cấp 4 thuận lợi cho du lịch và những vùng còn lại đạt mức phân cấp 5 tương đối tốt, đặc biệt trong tháng 11, vùng Tiền Giang và Bến Tre đã đạt với phân cấp 6 với chỉ số khí hậu du lịch TCI trên 60, đạt mức tốt cho hoạt động du lịch ở nơi đây.

Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 tại ĐBSCL rất thuận lợi cho hoạt động du lịch và đây là mùa du lịch ở khu vực này. Với tháng 12, tháng bắt đầu vào mùa khô thì các vùng ở ĐBSCL đều đạt mức tốt trở lên. Riêng ở các vùng Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ vào tháng 12 là những vùng đạt mức phân cấp 7 rất tốt cho hoạt động du lịch tại ĐBSCL. Đối với tháng 1 và tháng 2 là khoảng thời gian mà ĐBSCL đạt mức tuyệt vời cho hoạt động du lịch. Du khách muốn du lịch tại ĐBSCL thì nên lựa chọn vào 2 tháng này bởi đây là tháng tốt nhất cho hoạt động du lịch. Ở tháng 1 thì ở vùng Tiền Giang và Bến Tre, tháng 2 là Đồng Tháp, Bến Tre và Bạc Liêu là nơi có chỉ số TCI đạt trên 80 với mức phân cấp 8 rất tuyệt vời cho du lịch và khí hậu tốt sẽ không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của du khách khi tới đây.

Tuy nhiên, tính toán về TCI của ĐBSCL đến năm 2050 cho thấy, BĐKH đã làm chỉ số khí hậu du lịch thay đổi nhiều so với quá khứ. Theo đó, vào mùa mưa ở ĐBSCL từ tháng 5 đến tháng 11 thì chỉ số khí hậu đã không còn thuận lợi, đặc biệt vào những tháng mùa mưa đã có những nơi không tốt cho du lịch. Những kết quả đã tính toán về chỉ số khí hậu du lịch TCI tại ĐBSCL chịu tác động rất lớn của BĐKH, làm thu hẹp diện tích và thay đổi cảnh quan du lịch của khu vực. Trong tương lai dưới tác động của BĐKH, một số khu vực tại ĐBSCL đã không còn tốt cho hoạt động du lịch và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của du khách khi tới du lịch.

Mặc dù có những thay đổi đáng kể, nhưng trong tương lai vào mùa mưa vẫn còn một số vùng vẫn thuận lợi cho du lịch ở ĐBSCL và các điểm đến nghỉ dưỡng thú vị cho du khách. Với những kết quả tính toán trên, trong những năm tới khi du lịch ở ĐBSCL, du khách sẽ có cảm giác thoải mái và hầu hết sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi có những hoạt động du lịch ở khu vực này.

Qua kết quả tính toán đánh giá mức độ tác động của BĐKH tới hoạt động du lịch, nhóm tác giả đã phân tích được chính xác thực trạng mức độ thuận lợi của điều kiện sinh khí hậu khu vực, đồng thời phát hiện ra những hạn chế để đưa ra được những giai đoạn thích hợp nhất cho du khách tham quan du lịch khu vực ĐBSCL.