Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới

Thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã hỗ trợ Việt Nam và Campuchia hợp tác triển khai Dự án “Tăng cường tính bền vững của tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia - Đồng bằng sông Cửu Long”.

Dự án được thực hiện tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 5 năm (từ năm 2023 đến năm 2027). Mục tiêu của dự án này nhằm tăng cường tính bền vững về môi trường và an ninh nguồn nước ở hạ lưu vực sông Mê Công thông qua việc tập trung vào cải thiện quản trị và sử dụng bền vững tầng chứa nước xuyên biên giới Campuchia-Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, trong khuôn khổ Dự án, các bên sẽ hợp tác đánh giá dựa trên cơ sở khoa học đối với động lực nước ngầm và các tác động lên hệ sinh thái và sinh kế.

Thực hiện thí điểm các giải pháp cải thiện quản lý nước ngầm xuyên biên giới, với kết quả dự kiến là trình diễn thí điểm về quản lý và sử dụng nước ngầm sáng tạo để cải thiện việc bổ cập nước ngầm, giảm khai thác nước ngầm, cân bằng hệ sinh thái/sinh kế.

Đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác xuyên biên giới với các kết quả dự kiến là thiết kế hài hòa các mạng lưới và quy trình giám sát nước ngầm; xây dựng thỏa thuận về cơ chế và thủ tục trao đổi dữ liệu nước ngầm; thiết kế cơ quan điều phối và tham vấn xuyên biên giới thường trực.

Xây dựng chiến lược và chương trình hành động chung với các kết quả dự kiến là các nước thành lập ủy ban liên bộ đặc biệt; xây dựng một tầm nhìn dài hạn được chia sẻ (20 năm) bao gồm thỏa thuận về các mục tiêu chất lượng môi trường; chương trình hành động chiến lược (SAP) với thời hạn 05 năm phù hợp với tầm nhìn chung.

Bên cạnh đó, tăng cường thể chế, cải thiện sự tham gia, lồng ghép giới, giám sát và điều phối với kết quả dự kiến là xây dựng năng lực có cấu trúc trong quản lý nước ngầm cho những người ra quyết định và các bên liên quan.

Cục Quản lý tài nguyên nước được giao phụ trách hợp phần thí điểm các giải pháp cải thiện quản lý nước ngầm xuyên biên giới, với kết quả dự kiến là trình diễn thí điểm về quản lý và sử dụng nước ngầm sáng tạo để cải thiện việc bổ cập nước ngầm, giảm khai thác nước ngầm, cân bằng hệ sinh thái/sinh kế.