Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất định mức tái chế.

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)

Để hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Định mức chi phí tái chế (Fs)

Điều 54, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu, theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc (khoản 1 Điều 54). Khoản 2 Điều này quy định các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế được lựa chọn thực hiện trách nhiệm tái chế theo một trong các hình thức bao gồm: Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.

Điều 81 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường ngày 10/1/2022 (Nghị định số 08) quy định đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì (F) được xác định theo công thức: F = R x V x Fs, trong đó:

F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì quy định tại khoản 1 Điều 78 Nghị định này (đơn vị tính: %); V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế (đơn vị tính: kg); Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng/kg).

Cũng theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Fs cụ thể cho từng loại sản phẩm, bao bì với chu kỳ điều chỉnh 3 năm một lần.

Thực hiện quy định này, tại dự thảo, Bộ TN&MT đề xuất, định mức Fs bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì (gọi tắt là chi phí tái chế) và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Chi phí tái chế áp dụng hệ số điều chỉnh. Hệ số điều chỉnh là hệ số thể hiện hiệu quả tái chế; sản phẩm, bao bì có hiệu quả tái chế cao thì có hệ số điều chỉnh thấp và ngược lại.

Fs, chi phí tái chế và chi phí quản lý hành chính đối với một khối lượng sản phẩm, bao bì được đề xuất quy định chi tiết theo bảng phụ lục đính kèm dự thảo Quyết định.

Bộ TN&MT khẳng định, việc ban hành Fs là để thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và sẽ cung cấp căn cứ cho việc xác định đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì trong trường hợp lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 83 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 2 Phụ lục XXIII ban hành kèm theo Nghị định này để đưa ra thị trường Việt Nam có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Thủ tướng Chính phủ ban hành chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Tại dự thảo, chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu được trích lại 3% từ mức đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải quy định tại cột 5 Phụ lục XXIII phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 08.

Cũng theo Bộ TN&MT, việc ban hành chi phí quản lý hành chính này là để triển khai quy định Nghị định số 08 đã giao và là cơ sở để xác định chi phí quản lý hành chính thực hiện quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu./.

Phùng Tiến