Thúc đẩy phục hồi xanh

Đó là mục tiêu của Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và đề cương báo cáo đánh giá tác động của chính sách đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý.

Đó là mục tiêu của Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và đề cương báo cáo đánh giá tác động của chính sách đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý. Dự kiến Nghị định sẽ được trình Chính phủ vào quý II/2023.

Cụ thể, Nghị định nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đồng thời đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, việc tổng kết thi hành Nghị định sẽ tạo điều kiện cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đề xuất 7 nội dung chính sách, bao gồm: Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; Phân loại xanh; Chính sách ưu đãi thuế; Chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; Chính sách đào tạo lao động; Chính sách đất đai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất thực hiện những nghiên cứu cơ bản, và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Bộ đã có báo cáo với Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từ đầu năm 2021.

Trên cơ sở tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định số 687/QĐ-TTg đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đang được xây dựng hướng tới thúc đẩy "phục hồi xanh". Bởi, thời gian qua dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.

https://monre.gov.vn/Pages/thuc-day-phuc-hoi-xanh.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng