Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu

Thời gian qua, nhiều dự án hỗ trợ sinh kế, đầu tư hạ tầng nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thực hiện ở các địa phương.

Thời gian qua, nhiều dự án hỗ trợ sinh kế, đầu tư hạ tầng nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thực hiện ở các địa phương.

Tại Thừa Thiên – Huế, sáng 29/3, tại thành phố Huế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam”.

Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2023 nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển tại địa bàn nguy cơ ngập lụt cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án cũng góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua cách tiếp cận “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái” dựa vào các bên liên quan. Thông qua dự án đã thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi hoạt động: ươm cây, trồng cây, truyền thông, sinh kế.

Tổng cộng đã có khoảng 28.000 cây giống và trái giống cây ngập mặn đã được ươm, trong đó, 7.000 là cây đước đôi, khoảng 21.000 cây bần chua. Các cây giống được ươm trong vườn ươm cho đến khi được bán và trồng bởi cộng đồng quanh đầm phá.  Nhờ đó, cộng đồng có thêm nguồn thu nhập trực tiếp và tăng cường sức chống chịu của hệ sinh thái ven biển.

Đồng thời, trong khuôn khổ dự án, Cuộc thi sáng kiến truyền thông và sáng kiến sinh kế được tổ chức từ cơ sở đến cấp tỉnh đã tạo không khí sôi nổi và là động lực cho người dân tìm hiểu về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái, rừng ngập mặn cũng như mô hình sinh kế bền vững dựa vào tự nhiên. Trong đó, giải nhất là sáng kiến sinh kế đạt giải và có tính ứng dụng thực tế cao là “Tận dụng rơm rạ để trồng nấm bào ngư và tạo phế phẩm sinh học làm phân bó hữu cơ tại xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền).

UBND tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM).

Dự án CRIEM được triển khai nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp nâng cao mức sống đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, CRIEM được triển khai sẽ góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh thông qua cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng cấp nước sinh hoạt, hạ tầng quản 

lý tài nguyên nước và nâng cấp công nghệ, hệ thống phân tích rủi ro thiên tai hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.

Dự kiến, phạm vi dự án triển khai tại địa bàn các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian thực hiện dự kiến 2023 - 2026. Tổng mức đầu tư Dự án CRIEM là gần 33 triệu USD, trong đó tổng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là 23,5 triệu USD.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Hậu Giang cũng được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA Việt Nam) và tổ chức Merry Year International Hàn Quốc (MYI) sẽ đầu tư hơn 4,1 tỉ đồng thực hiện Dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người dân và nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng”.

Dự án được thực hiện tại địa bàn huyện Long Mỹ, hướng tới mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ yếu thế do tác động của biến đổi khí hậu.

Một trong hai chương trình quan trọng của dự án là đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, trong giai đoạn 2023- 2025, Tổ chức Merry Year International Hàn Quốc sẽ phối hợp cùng với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang và Trường Đại học Cần Thơ thiết lập hệ thống đánh giá rủi ro khí hậu, xây dựng thêm các trạm quan trắc độ mặn nước mặt, và thông qua kỹ thuật Công nghệ thông tin - Truyền thông để tăng cường khả năng quản lý từ xa.

Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng thêm tổng cộng 5 trạm quan trắc độ mặn để liên kết hạ tầng với nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiệt hại do hạn mặn tại huyện Long Mỹ và xây dựng hệ thống quản lý đảm bảo các trạm hoạt động tốt. Thông qua đó, sẽ tăng cường năng lực ứng phó với khủng hoảng quản lý nước cho huyện Long Mỹ.