Môi trường - trọng tâm giám sát của nhiều địa phương

Hội đồng nhân dân các cấp đã và đang triển khai các đợt giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện pháp luật môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp.

Hội đồng nhân dân các cấp đã và đang triển khai các đợt giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện pháp luật môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp.

* Hà Nội: Giám sát bảo vệ môi trường không khí

Ban Đô thị Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đang triển khai chương trình giám sát giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Mục tiêu nhằm tìm ra giải pháp để khắc phục tồn tại và có chính sách tiếp theo để trùng khớp tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và các Chương trình của Thành ủy về giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường không khí tại Thủ đô.

Ngày 21/3, Đoàn giám sát làm việc với Tổng Công ty vận tải Hà Nội. Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Sở Giao thông Vận tải làm rõ quá trình thực hiện đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực; Hiệu quả của các biện pháp trong Nghị quyết 04 và Nghị quyết 07 của HĐND; giải pháp trọng tâm, căn cơ lâu dài để giảm phát sinh khí thải giao thông gây ô nhiễm môi trường ở một số quận nội đô...

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để giảm ô nhiễm môi trường nhằm phát triển giao thông bền vững, Sở đã đưa ra giải pháp phát triển giao thông vận tải Thủ đô theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính; xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí, tránh ùn tắc cục bộ nhất là trong khu vực nội đô và quy hoạch các vùng lõi được phép lưu thông các phương tiện để tiến tới hạn chế và cấm phương tiện cá nhân.

Sở cũng đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí Các-bon và khí Mê-tan của ngành Giao thông vận tải, mục tiêu đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Việc chuyển dần sang vận hành phương tiện năng lượng sạch là phù hợp với xu hướng chung nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt là chi phí đầu tư cao.

Trên cơ sở nghe báo cáo, giám sát và kiểm tra thực tế tại một số đơn vị, Đoàn giám sát đề nghị Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện tốt vấn đề quản lý ô nhiễm không khí liên quan đến phương tiện giao thông; Tổng Công ty vận tải tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp để đảm bảo giao thông, môi trường - đặc biệt với chủ trương đưa phương tiện công cộng chạy bằng năng lượng điện.

 * Nghệ An: 4 nội dung giám sát môi trường

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An đang triển khai Kế hoạch giám sát về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch này, có 04 nội dung giám sát bao gồm: Đánh giá hiện trạng và các vấn đề về môi trường (bao gồm hiện trạng và diễn biến các thành phần môi trường; các nguồn gây ô nhiễm môi trường và tình hình xử lý ô nhiễm); đánh giá công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (bao gồm việc ban hành các văn bản quản lý và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác quan trắc, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, kiểm soát nguồn ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý nguồn thải, quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi 

phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo về môi trường); tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra giám sát tại huyện Nghĩa Đàn, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nghệ An nhận thấy, vấn đề “nóng” tại địa phương là xử lý rác thải sinh hoạt. Thực tế giám sát cho thấy, lượng rác thải tồn đọng khá nhiều, khu lưu trữ rác thải sau thu gom chưa đảm bảo vệ sinh môi trường… Ngoài ra, Nghĩa Đàn đang có 21 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể, mỗi năm trên địa bàn huyện sử dụng khoảng 3,78 tấn thuốc trừ sâu và 5.370 tấn phân bón hóa học các loại để tăng năng suất và bảo vệ cây trồng.

Việc sử dụng và quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học phục vụ sản xuất nông nghiệp không đúng quy trình, tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn diễn ra phổ biến, đã làm biến đổi chất lượng nước dưới đất và môi trường xung quanh.

Vấn đề được địa phương quan tâm, kiến nghị là bổ sung ngân sách cho sự nghiệp môi trường đối với cấp huyện; điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải…

* Giám sát kết quả thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh”

Từ ngày 07/3-15/3, Thường trực HĐND huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) đã tiến hành giám sát kết quả 02 năm triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh” tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Qua giám sát cho thấy, trong 2 năm (2021-2022) triển khai thực hiện Đề án, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể từ xã đến ấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và cán bộ, đảng viên tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động của Đề án. Kết quả đã tổ chức trên trăm cuộc tuyên truyền, cấp hàng ngàn tờ rơi, tài liệu, sổ tay tuyên truyền Đề án Hậu Giang xanh.

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã thành lập 75 tổ vệ sinh môi trường tại 75 ấp, với trên 400 thành viên, trang bị 480 thùng đựng rác; 225 xe thu gom rác thải sinh hoạt, xe thu gom bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và xây dựng 207 bể chứa bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

Các tổ vệ sinh môi trường tại địa phương đã tổ chức thu gom được trên 300 kg bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại các ấp, giao cho đơn vị chức năng xử lý.

Trên cơ sở kiểm tra thực tế và báo cáo kết quả thực hiện của các đơn vị, thành viên đoàn giám sát đã đánh giá kết quả thực hiện các nội dung của Đề án trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dụng của Đề án Hậu Giang Xanh, đồng thời đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa trong thực hiện thu gom rác thải và trồng cây xanh.

https://monre.gov.vn/Pages/moi-truong---trong-tam-giam-sat-cua-nhieu-dia-phuong.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng