3 dự án bảo tồn động vật hoang dã nhận tài trợ từ Quỹ Bảo tồn Loài

Ngày 13/2, tại Hà Nội, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp và WWF Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tài trợ cho 3 dự án bảo tồn loài hoang dã ưu tiên tại Việt Nam

Ngày 13/2, tại Hà Nội, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp và WWF Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tài trợ cho 3 dự án bảo tồn loài hoang dã ưu tiên tại Việt Nam. Hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Trong đợt tài trợ đầu tiên này, mỗi dự án sẽ nhận 50.000 đô la Mỹ và triển khai trong 1 năm tới. Cụ thể, dự án "Hiện trạng và bảo tồn Cá chạch suối (Schistura spiloptera) cực kỳ nguy cấp ở Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã và Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên Huế" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) thực hiện. Dự án “Bảo tồn Vượn má trắng (Nomascus leucogenys) ở VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh" do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) thực hiện. Dự án "Bảo tồn Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) ở VQG Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam”” do Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thực hiện.

Theo ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Dự án VFBC, Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sự tham gia của các đơn vị địa phương nhận được tài trợ của Quỹ bảo tồn Loài sẽ góp phần phát huy hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong vườn quốc gia tại các địa phương trên cả nước. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn những nguy cơ giảm, mất đa dạng sinh học. Đồng thời, thúc đẩy cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với bảo tồn, giảm áp lực cho rừng.

Bà Annie Wallace, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID chia sẻ, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học lớn nhất thế giới nên USAID sẽ có những ưu tiên trong các hoạt động hỗ trợ bảo tồn. Quỹ Bảo tồn Loài sẽ thúc đẩy các bên liên quan của địa phương đổi mới nhằm tăng hiệu quả quản lý trong công tác bảo tồn, đồng thời, hỗ trợ các nỗ lực của các tổ chức và viện nghiên cứu địa phương triển khai những hoạt động ưu tiên bảo tồn của Chính phủ Việt Nam. Vai trò của các tổ chức địa phương và cơ quan quản lý các cấp rất quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo vệ đa dạng sinh học.

https://monre.gov.vn/Pages/3-du-an-bao-ton-dong-vat-hoang-da-nhan-tai-tro-tu-quy-bao-ton-loai.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng