Ứng phó xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

Xâm nhập mặn được dự báo gia tăng nhanh và lên xuống thất thường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để ứng phó, các địa phương đang triển khai các giải pháp linh hoạt.

Chủ động triển khai ứng phó với hạn mặn, tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; các ngành chức năng và các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Với vùng ven biển bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng mới thì tập trung gia cố, đắp các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn.

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành công văn, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi sát tình hình, đồng thời khẩn trương thực hiện việc trữ nước ngọt, vận hành công trình thủy lợi hợp lý nhằm bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn và cả trong mùa khô.

Trong khi đó, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đã chủ động đóng cống ngăn mặn để đảm bảo sản xuất ổn định cho người dân. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đã đưa ra khuyến cáo với các địa phương cần theo dõi và kiểm tra độ mặn thường xuyên tại các cống đầu mối để có kế hoạch đóng mở cống hợp lý.

Ngày 8/2, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cảnh báo sẵn sàng ứng phó xâm nhập mặn gia tăng trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành khu vực lưu ý theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn từ cơ quan Khí tượng, thủy văn và Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam để kịp thời ứng phó.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (SIWRR) cho biết, việc xả nước hạn chế từ thượng nguồn tiếp tục kéo dài thì khả năng mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất cao. Cơ quan này cảnh báo trong tháng 2, nồng độ mặn ở giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt 4‰, mặn có thể xâm nhập sâu 45-60 km. Riêng đối với vùng ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn có thể vào sâu 45-60 km trong tháng 2 và có thể xâm nhập sâu 65-75 km trong tháng 3.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ nhận định, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay không cao như 2015-2016 nhưng tương tự năm 2020-2021, độ mặn 4‰ có thể tiến sâu 50 km vào sông Hậu./.

https://monre.gov.vn/Pages/ung-pho-xam-nhap-man-tai-dong-bang-song-cuu-long.aspx?cm=Kh%C3%AD%20t%C6%B0%E1%BB%A3ng%20th%E1%BB%A7y%20v%C4%83n