Bình Định chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2050

Theo đó, giai đoạn tới, tỉnh Bình Định đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiến tới chủ động thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhiều mục tiêu quan trọng

Trong kế hoạch, tỉnh Bình Định đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; đối với khu vực chưa thể di dời được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.

 Đến năm 2050: Mục tiêu của tỉnh là 100% dân số được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh, trong đó ít nhất 90% dân số được sử dụng nước sạch đạt chuẩn; mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% số hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở đảm bảo an toàn; tăng cường khả năng chống chịu của các công trình phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu…

Bảo vệ tài nguyên hiện có

Trong các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để cụ thể các mục tiêu đề ra trong kế hoạch, tỉnh Bình Định xác định trọng tâm ưu tiên là: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên.

Tỉnh sẽ rà soát, tập trung bảo vệ, phục hồi tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của các ngành; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, tăng cường các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, chú trọng các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước; quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và bảo đảm phòng, chống sạt lở, sụt lún, suy thoái nước ngầm trong khai thác; khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, tăng cường cải tạo, bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác động và phòng chống thiên tai do nước gây ra.

Đẩy mạnh việc bảo vệ và phát triển rừng cùng các hệ sinh thái. Hạn chế tối đa chuyển đổi rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên; đẩy mạnh phục hồi và nâng cao chất lượng và khả năng phòng hộ của rừng phòng hộ đầu nguồn; tăng tỷ lệ cây xanh tại các đô thị; Phát triển các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng; thực hiện kiểm kê, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học.

Song song đó, tỉnh quan tâm dành nguồn lực để phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng các công trình đa mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, công trình liên vùng; nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông tại các khu vực có rủi ro thiên tai cao và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; hoàn thành các công trình hạ tầng trọng yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan

Nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo sớm trên cơ sở tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với bão, mưa, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển. Nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ giám sát, phân tích, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; ứng dụng các công nghệ dự báo tiên tiến, hiện đại; ưu tiên phát triển công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dự báo dựa trên tác động; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khí hậu và cung cấp thông tin phục vụ phòng chống thiên tai.

Thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai và khí hậu cực đoan gây ra. Xây dựng và nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai tại những vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực sạt lở diễn biến phức tạp.

Quy hoạch, đầu tư, bố trí di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên chịu tác động của khí hậu cực đoan, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra bão, lũ, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, tai biến địa chất; nâng cao năng lực cho các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ - cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương tại các vùng thường xuyên chịu tác động của khí hậu cực đoan, thiên tai; xây dựng nhà an toàn phòng chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp với sơ tán nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

https://monre.gov.vn/Pages/binh-dinh-chu-dong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau.aspx?cm=Bi%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BB%95i%20kh%C3%AD%20h%E1%BA%ADu