Thanh, kiểm tra đột xuất về bảo vệ môi trường trong những trường hợp cần thiết

Nhằm tăng cường hiệu quả và đảm bảo sự công bằng trong công tác thanh, kiểm tra về môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định thanh tra đột xuất không được công bố trước trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường.

Cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh, hiện nay các lực lượng thanh tra, kiểm tra về môi trường khi tiến hành thanh tra, kiểm tra phải thông báo trước đến các đơn vị chịu sự thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị này có sự chuẩn bị, do đó hầu như không phát hiện được sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Cử tri đề nghị cần có quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với những doanh nghiệp nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm hoặc khi nhận được tố giác của người dân để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để khắc phục những hạn chế khi thông báo trước lịch thanh tra, kiểm tra về môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định thanh, kiểm tra đột xuất về môi trường trong trường hợp cần thiết tại Điều 160.

Việc thanh, kiểm tra đột xuất được tiến hành theo quy định khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 162 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định, không công bố trước quyết định thành lập đoàn thanh tra khi có căn cứ cho rằng việc công bố trước dẫn tới đối tượng thanh tra che giấu, tẩu tán tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm hiệu quả hoạt động của đoàn thanh tra hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.

Thanh tra được tiếp cận ngay khu vực phát sinh chất thải

Theo các quy định trên, sau khi xuất trình quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra được quyền tiếp cận ngay khu vực phát sinh chất thải, khu vực có công trình, thiết bị thu gom, xử lý nước thải, khí thải và điểm xả thải và các khu vực khác trong phạm vi quyết định thanh tra để triển khai các hoạt động thanh tra theo thẩm quyền;

Trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi không hợp tác hoặc cản trở hoạt động thanh tra đột xuất, Trưởng đoàn thanh tra phối hợp với lực lượng Công an nhân dân hoặc UBND xã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để tiếp cận hiện trường phục vụ hoạt động thanh tra và lập biên bản vụ việc.

Cũng theo quy định trên, người đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ký các biên bản làm việc, biên bản lấy mẫu môi trường; trường hợp người đại diện theo pháp luật không có mặt, đại diện tổ chức, cá nhân được thanh tra có mặt tại hiện trường có trách nhiệm ký biên bản. Trường hợp không có đại diện của tổ chức, cá nhân được thanh tra hoặc đại diện tổ chức, cá nhân được thanh tra không ký biên bản thì đề nghị đại diện UBND xã hoặc đại diện Công an cấp xã ký biên bản với vai trò người chứng kiến.

Hơn nữa, sau khi đã thực hiện các hoạt động để bảo đảm đối tượng thanh tra không tẩu tán tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, làm giảm hiệu quả hoạt động của đoàn thanh tra, trong thời hạn không quá 3 ngày, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp đại diện theo pháp luật của đối tượng thanh tra không có mặt theo yêu cầu. Trình tự, thủ tục công bố quyết định thanh tra được thực hiện theo pháp luật về thanh tra…

https://monre.gov.vn/Pages/thanh,-kiem-tra-dot-xuat-ve-bao-ve-moi-truong-trong-nhung-truong-hop-can-thiet.aspx?cm=M%C3%B4i%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng