Phát triển du lịch làng nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 12/12/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ "Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long". Đề tài do TS. Trương Sỹ Vinh làm chủ nhiệm, đơn vị chủ trì nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

Đề tài thực hiện với mục tiêu xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch làng nghề phù hợp với điều kiện vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất định hướng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long.

TS. Trương Sỹ Vinh, Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu

Đề tài đã đạt được một số kết quả như sau:

- Đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch làng nghề, đưa ra những khái niệm liên quan đến nội dung nghiên cứu về phát triển du lịch làng nghề, xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch làng nghề, các hình thức du lịch làng nghề và nguyên tắc, điều kiện cơ bản để phát triển du lịch làng nghề. Đề tài cũng khái quát một số kinh nghiệm phát triển du lịch làng nghề ở Nhật Bản, Thái Lan và một số địa phương trong nước; từ đó rút ra 4 bài học vận đụng phát triển du lịch làng nghề tại đồng bằng sông Cửu Long. 

TS. Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp

TS. Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành ủy viên phản biện Hội đồng nhận xét

- Đã phân tích, đánh giá các nguồn lực để phát triển du lịch làng nghề và thực trạng phát triển du lịch làng nghề của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả đánh giá cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có tài ngueyen du lịch làng nghề hết sức đặc sắc, thể hiện qua số lượng, phân bố, sản phẩm ... của các làng nghề. Cùng với các nguồn lực khác, vùng ĐBSCL có thể phát triển tốt du lịch làng nghề. Những phân tích về thực trạng đã chỉ ra trong thời gian qua, du lịch làng nghề ĐBSCL đã được chú ý, nhiều làng nghề đã bắt đầu được khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế, sự phát triển triển du lịch làng nghề vùng ĐBSCL còn chưa tương xứng với tiềm năng, thể hiện ở một số làng nghề được khai thác phát triển du lịch còn ít, số khách du lịch đến làng nghề so với tổng số khách du lịch đến vùng vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, với các làng nghề đã có hoạt động du lịch, các sản phẩm, dịch vụ và nhiều yếu tố khác vẫn còn hạn chế.

Toàn cảnh buổi họp Hội đồng

- Đã đề xuất được định hướng và 10 nhóm giải pháp để phát triển du lịch làng nghề vùng ĐBSCL. Những định hướng đề xuất liên quan đến quy hoạch các làng nghề phát triển, phát triển các điểm du lịch làng nghề gắn với các tuyến du lịch, điểm du lịch của vùng ĐBSCL, phát triển sản phẩm và các dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các làng nghề. Những giải pháp đề xuất liên quan đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng, vấn đề cải thiện môi trường làng nghề, đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm; về chính sách phát triển, quảng bá làng nghề gắn với du lịch,  mô hình tổ chức quản lý làng nghề du lịch ... Tất cả các giải pháp này cần được thực hiệ đồng bộ, theo giai đoạn.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả đề tài

Sau khi nghe ý kiến nhận xét của 2 ủy viên phản biện, các ý kiến khác của thành viên Hội đồng và trao đổi, giải trình của chủ nhiệm đề tài, Hội đồng đã họp riêng và thống nhất thông qua đề tài xếp loại Đạt.