Mùa Trung thu đi tìm Người làm khuôn gỗ cổ truyền

Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật công nghệ, hàng loạt các nghề cổ truyền đang dần bị mai một.

 

Nếu như trước đây, mùa trung thu người ta tìm đến những chiếc khuôn gỗ được tạo hình tỉ mỉ, sắc nét, độc đáo… thì ngày nay, mỗi mùa trăng về, người ta tìm đến khuôn bánh trung thu bằng nhựa, điều này đã làm những làng nghề chuyên sản xuất khuôn gỗ truyền thống sa sút mạnh mẽ. Thay vì bỏ ra vài trăm nghìn mua một chiếc khuôn gỗ, khách hàng chuyển hướng sang dùng khuôn nhựa rẻ tiền, dễ vận chuyển nhưng vẫn có mẫu mã đẹp, hiện đại, hợp thị hiếu số đông.

Có một cửa hàng vỏn vẹn 10m2, cũ kỹ, lọt thỏm trên con phố Hàng Quạt đắt đỏ giữa trung tâm Thủ đô, bảng hiểu ngắn gọn 4 chữ “Khuôn, bánh, xôi, oản”, toàn bộ cửa ra vào, tường nhà, lủng lẳng treo dưới biển hiệu, tất cả mọi ngóc ngách nơi này đều được tận dụng để trưng bày sản phẩm là các khuôn gỗ mộc mạc. Xưa kia, cả phố Hàng Quạt san sát nhau những cửa hiệu đồ mộc, đúc khuôn, thấm thoát 40 năm, chỉ còn gia đình ông Phạm Văn Quang (SN 1963, quê gốc Thường Tín, Hà Nội) duy nhất vẫn làm khuôn và sống được với nghề. Để sống với nghề cổ truyền, ngoài tay nghề, lộc nghề còn là sự trăn trở, sáng tạo, luôn chấp nhận làm mới để đáp ứng với nhu cầu, thị hiếu hiện tại của khách hàng. Thời gian thay đổi kéo theo nghề nghiệp cũng dần thay đổi. Ông Quang chia sẻ thẳng thắn:“Không có gì bất biến nên nếu cứ bám lấy cái truyền thống để đứng yên ở đó thì chắc tôi bỏ nghề lâu rồi”, “Người ta thường nói nhất nghệ tinh, nhất thân vình. Làm nghề nào cũng vậy, nếu mình có năng lực, mình biết phát triển những cái mới thì luôn có đất tồn tại, chẳng cần phải nghe ai nói ôi cái nghề này hết thời rồi mà cảm thấy nao núng…”

Không giấu nghề, ông Quang thẳng thắn chia sẻ, loại gỗ thích hợp nhất cho đúc khuôn là gỗ xà cử, thứ gỗ vừa chắc lại dẻo, đảm bảo giữ được hoa văn chạm khắc, thuận tiện đóng bánh. Ông cho hay: “Dùng gỗ chắc quá như gỗ mít thì lấy ra bánh dễ bị nứt, sứt góc. Gỗ mềm quá dùng qua thời gian sẽ mòn mất hoa văn. Gỗ xà cừ dung hòa được tất cả, dễ mua, hợp lý cả giá thành và chất lượng”. Tuổi thọ cho những chiếc khuôn gỗ được ông Quang ước tính dài hơn tuổi nghề của chính mình, chỉ cần bảo quản tránh ẩm mốc là có thể sử dụng gần như là mãi mãi. Nhưng để làm nên một chiếc khuôn đẹp, giá trị về mặt tinh thần với khách hàng, ông là người lắng nghe, chắp nối từng câu chuyện nhỏ rồi lại chỉnh sửa tỉ mỉ với từng chút thành phẩm bí quyết riêng để khách hàng có thể hài lòng nhất, từ đó để khách hàng tự tìm đến với cửa hàng.

Sản phẩm của ông Quang đã chu du đi nhiều nơi trên thế giới, được các đại sứ quán, tổ chức quốc tế đặt làm mỗi dịp đặt biệt. Mới đây, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink đã ghé thăm cửa hàng của ông, đặt khuôn bánh để dùng vào dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ. Ngoài ra, ông Quang đã từng đúc khuôn theo biểu tượng núi Phú Sỹ của Đại sứ quán Nhật Bản, hay hình tượng con hổ từ yêu cầu của Văn phòng Văn hoá và Kinh tế Đài Bắc (Trung Quốc).

Đình Lâm (Tổng hợp)